Làm sao để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chống lãng phí?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 08/12/2020 06:04 GMT+7

VTV.vn - Đạt gần 80% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ - đây là mức giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng, tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Giải ngân đầu tư công tăng kỷ lục

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/11 là trên 336 nghìn tỷ đồng đạt trên 71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng). Kết quả này của cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt trên 58%, trong đó vốn nước ngoài là trên 20.580 tỷ đồng (đạt trên 40% kế hoạch).

Đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 với gần 92 nghìn tỷ đồng, ước đạt trên 67% kế hoạch.

Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và 11. Có 15 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30 tháng 11 đạt trên 75%, trong đó 09 Bộ, cơ quan trung ương và 07 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%.

Làm sao để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chống lãng phí? - Ảnh 1.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đến ngày 25/11, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đạt gần 73%. Giao thông vận tải cũng là lĩnh vực có khối lượng vốn lớn nhất cần thực hiện. Theo các nhà phân tích, vẫn còn khá nhiều dư địa để đẩy mạnh khối lượng giải ngân đầu tư công nếu như nhiều vướng mắc mang tính chủ quan được tháo bỏ.

Nhiều dư địa để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

Tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, đồng thời liên quan đến giải phóng mặt bằng của hơn 500 hộ dân và 13 tổ chức. Tuy nhiên, sau 7 tháng triển khai, tiến độ giải ngân của dự án giao thong do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư đã đạt được hơn 90%. Dự kiến ngay trong tháng này sẽ hoàn thành dự án

Đến thời điểm này tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 90% trong tổng số gần 13.000 tỷ đồng theo kế hoạch được giao. Đại diện địa phương này cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh đã đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp từ giải phóng mặt bằng, tăng cac tăng kíp trên các mũi thi công. Đặc biệt việc gắn trách nhiệm cá nhân theo từng mốc thời gian cụ thể

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Chúng tôi gắn những mốc cụ thể cho từng hạng mục, ví dụ như hết tháng 3 phải thực hiện xong lựa chọn dự án, tháng 6 tổ chức đấu thầu và tháng 9 phải hoàn thành giải ngân số vốn được giao".

Làm sao để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chống lãng phí? - Ảnh 2.

"Đẩy mạnh giải ngân tốt nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí", Thủ tướng yêu cầu. Ảnh minh họa.

Nằm trong nhóm khối lượng giải ngân vốn đầu tư công cao nhất của cả nước. Đến nay, các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được hơn 80% trong tổng số gần 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, con số này thấp hơn so với mục tiêu do một số dự án mới được điều chỉnh bổ sung kế hoạch trung hạn, bổ sung vốn để thực hiện. Tuy nhiên, phần thiếu hụt sau sẽ được giải ngân bù ngay trong tháng này, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân đến từng phần việc.

Thúc đẩy hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

Sẽ chỉ còn 2 tháng là kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công năm năm 2020, trong khi số vốn ngân sách nhà nước còn lại, đặc biệt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn lại tương đối lớn.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 12, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân mới đạt hơn 60% kế hoạch được giao, chủ yếu do giải ngân vốn ODA chưa đảm bảo theo tiến độ. Nguyên nhân do một số dự án ODA chưa xác định được giá trị cấp phát từ ngân sách Trung ương bằng tiền đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam và thiết bị, máy móc phục vụ cho dự án chưa thể nhập khẩu. 

Làm sao để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chống lãng phí? - Ảnh 3.

Hình minh họa.

Ngoài ra, do tiến độ thực hiện dự án trước đây bị chậm, cần được rà soát chặt chẽ về pháp lý và kỹ thuật để đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng với các nhà thầu ảnh hưởng đến công tác thi công, nghiệm thu thanh toán và giải ngân. Việc phê duyệt điều chỉnh dự án kéo dài dẫn đến tổ chức đấu thầu lại các gói thầu của dự án.

Năm 2020, được đánh giá là thời điểm khá thành công trong công tác giải ngân đầu tư công. Cho dù ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đây chính là dư địa để có thể đẩy mạnh giải ngân đầu công trong 2 tháng nữa. Trong cuộc họp mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Tháng 12 này là tháng dấu ấn để chúng ta thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ bản; với khối lượng vốn lớn nhất cần thực hiện là ngành giao thông vận tải, đẩy mạnh giải ngân tốt nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 7/12 với khách mời là ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước