Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông

Theo VOV-Thứ năm, ngày 15/10/2020 10:00 GMT+7

VTV.vn - Tổng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương 9 tháng qua chưa đạt yêu cầu.


9 tháng, giải ngân được hơn 30,4%

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), dự toán vốn nước ngoài được giao từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 38.484 tỷ đồng. Số các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis tính đến ngày 30/9 đạt 97% dự toán (vốn cấp phát), tăng 6,6% so với thời điểm 31/8. Trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả lại ngân sách trung ương chiếm 11,73% dự toán.

Về nguồn vốn Trung ương cho vay lại cho địa phương, các địa phương đã phân bổ và hệ thống Tabmis tính đến ngày 30/9/2020 đạt 75,3% dự toán, tăng 1,2% so với thời điểm 31/8.

Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông - Ảnh 1.

9 tháng, các địa phương mới giải ngân được hơn 30,4% dự toán được giao (Ảnh minh họa: KT)

Tỷ lệ giải ngân chung nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương từ nguồn nước ngoài theo phương thức ghi thu ghi chi, bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và Trung ương cho vay lại là 30,4% dự toán được giao.

Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương theo kế hoạch vốn 2019, phần được chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12/2020 của các địa phương đạt 71,6% so với dự toán 2019 được chuyển nguồn bao gồm cả số vốn giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước.

Hiện nay, đã có 60/62 địa phương được giao dự toán vốn vay nước ngoài đã nhập và phân bổ trên 50% dự toán được giao trên Tabmis, trong đó 43/62 địa phương đã nhập Tabmis 100%, tăng so với thời điểm 31/8 là 18 địa phương.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nhận định, tỷ lệ giải ngân tháng 9/2020 đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, song tổng giải ngân 9 tháng đầu năm vẫn thấp so với dự toán 2020.

"Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương đạt 32,43% trong khi thời gian giải ngân dự toán 2020 còn lại là 4 tháng", đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết.

Việc quản lý vốn nhàn rỗi trên các tài khoản tạm ứng được tăng cường, Bộ Tài chính cho biết, số dư vốn ứng chưa báo cáo hoàn chứng từ trên các tài khoản tạm ứng giảm dần qua các thời điểm 31/12/2019, 31/8/2020 và 30/9/2020. Cùng với đó, vốn giải ngân thực thanh toán tăng, thời gian chi tiêu trung bình từ các tài khoản tạm ứng giảm từ 7 tháng xuống còn 3 đến 4 tháng. Điều này góp phần giảm chi phí trả lãi vay cho ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đẩy nhanh giải ngân.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn

Theo ông Trương Hùng Long, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2020 là rất nặng nề. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh vốn đầu tư công trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trở thành yêu cầu bắt buộc, thể hiện trách nhiệm, năng lực sử dụng vốn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Do đó, các địa phương phải tập trung đôn đốc, đưa ra các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Đồng thời, chia sẻ thông tin kịp thời để các cơ quan Trung ương nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện giải ngân.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu, các địa phương cần rà soát khả năng giải ngân, kể cả giai đoạn khóa sổ quyết toán và đối chiếu số liệu, ghi thu ghi chi…, khả năng sẽ giải ngân được bao nhiêu vốn để có cơ sở báo cáo với các bộ, báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh dự toán, kế hoạch giải ngân cho phù hợp để tận dụng được dự toán và nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài của Chính phủ.

"Tính chất nguồn vốn là ODA và ưu đãi nước ngoài, tức là căn cứ vào hiệp định vay. Trong hiệp định có thời hạn dự án và thời hạn giải ngân, nếu không giải ngân kịp trong thời hạn mà không được gia hạn thì sẽ bị hủy vốn. Việc hủy vốn khiến Việt Nam phải chịu phí cam kết dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng vốn đầu tư công cũng như việc vay nợ vốn", Thứ trưởng cho biết thêm.

Để có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tập trung giải quyết các công việc, như: Đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân đối với các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng, Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính, để giảm số dư nợ tạm ứng với bên cho vay nước ngoài.

Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng) để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương tình, dự án ODA hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này.

"Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký hợp đồng cho vay lại cũng như góp ý về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư của các dự án", ông Trương Hùng Long nói.

Có nên thúc giải ngân đầu tư công bằng mọi giá?

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu giải ngân được, khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục rất nhanh. Tuy nhiên, hiện trạng đang cho thấy giải ngân vốn đầu tư công vẫn ách tắc mặc dù Chính phủ đã truyền đạt những thông điệp cứng rắn, quyết liệt để tháo gỡ bài toán này.

Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông - Ảnh 3.

GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển

GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng, chủ trương thúc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ, kế hoạch đã giao là hoàn toàn đúng, nhưng cũng cần cân nhắc việc thúc giải ngân đầu tư công bằng mọi giá. Những dự án đã giao nhưng không có khả năng hấp thụ, không hiệu quả mà bây giờ cứ thúc để giải ngân đạt đúng tiến độ, đúng kế hoạch thì e là chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại không giải được bài toán hiệu quả, thậm chí dẫn đến mặt trái của nó, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước thì sẽ rất nguy hiểm.

"Cần tính toán 1 cách tổng thể việc giải ngân vốn đầu tư công, chủ trương đúng nhưng không thể triển khai một cách máy móc. Phải minh bạch hóa rà soát, đánh giá lại các dự án, xem vướng mắc ở chỗ nào thì chung tay tháo gỡ từ trên xuống chứ không thể cứ địa phương nào cũng muốn giải ngân vốn để chỉ số hoàn thành tăng lên nhưng không hiệu quả thì sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc này các bộ, ngành, địa phương phải làm ngay, không thể làm theo kiểu chạy theo số lượng, chạy theo thành tích trong giải ngân vốn đầu tư công, như vậy rất nguy hiểm", GS. TS. Đặng Đình Đào khuyến cáo.

Giải ngân vốn ODA: 3 quý mới  'đi' được 1/3 con đường Giải ngân vốn ODA: 3 quý mới "đi" được 1/3 con đường

VTV.vn - Tỷ lệ giải ngân đầu tư nguồn vốn nước ngoài (ODA) của các địa phương vẫn còn chậm ở mức đáng báo động.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước