Lạm phát hạ nhiệt, thêm niềm tin Fed hạ lãi suất

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 12/07/2024 17:13 GMT+7

VTV.vn - Số liệu CPI tháng 6 vừa công bố đã tiếp tục cho thấy đà hạ nhiệt của lạm phát tiêu dùng tại Mỹ với mức tăng chỉ 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ công bố CPI tháng 6

Số liệu CPI tháng 6 vừa công bố đã tiếp tục cho thấy đà hạ nhiệt của lạm phát tiêu dùng tại Mỹ với mức tăng chỉ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng mức độ hạ nhiệt thậm chí là còn hơn cả những gì mà các nhà phân tích thị trường đã chờ đợi.

Tờ Bưu điện Washington đưa đầu đề một cách rất trực diện: Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, giúp củng cố thêm lộ trình hạ lãi suất. Với dữ liệu tháng 6, các nhà quan sát có nhiều cơ sở hơn để tin vào một đợt hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed vào tháng 9, nếu các số liệu tiếp tục như vậy.

CNN đưa ra phân tích sâu thêm tại sao mà số liệu mới lại tốt cho triển vọng hạ lãi suất: đó là nếu tính riêng so với cùng kỳ tháng 5, CPI tháng 6 thậm chí đã giảm 0,1% - lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020 - khi nước Mỹ ở cao điểm của đại dịch. Và khi loại trừ các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, thì CPI lõi cũng cho thấy mức tăng thấp hơn dự báo.

CPI & PCE – Fed ưu tiên thước đo nào?

Với những tiêu đề rất mạnh mẽ của báo chí Mỹ, số liệu CPI mới đang khiến thị trường rất tự tin vào khả năng hạ lãi suất của Fed. Nhưng CPI lại không phải là thước đo lạm phát chính mà Fed sử dụng mà chỉ số giá PCE mới được xem là thước đo lạm phát "ưa thích" của cơ quan này. Nhưng dù vậy thì CPI vẫn có thể được Fed tham khảo như là tín hiệu cho thấy rằng, lạm phát đang dần đi xuống về ngưỡng mục tiêu một cách ổn định như kỳ vọng của họ.

Bên cạnh đó, trong hai phiên điều trần gần đây tại Quốc hội Mỹ, chủ tịch Jerome Powell cũng đã phát đi tín hiệu rằng: Lạm phát là quan trọng, như Fed cũng cần phải cân nhắc các yếu tố khác của nền kinh tế, mà đặc biệt là thị trường lao động - nếu thị trường lao động hạ nhiệt mạnh hơn nữa thì cơ quan này sẽ phải hành động.

Lạm phát hạ nhiệt, thêm niềm tin Fed hạ lãi suất - Ảnh 1.

CPI lại không phải là thước đo lạm phát chính mà Fed sử dụng mà chỉ số giá PCE mới được xem là thước đo lạm phát "ưa thích" của cơ quan này

Ông Ross Mayfield - Công ty quản lý đầu tư Baird cho biết: "Điều khiến chúng tôi quan tâm, đó là ông Powell đã bắt đầu thừa nhận những rủi ro hai mặt của bài toán lãi suất: đó là lạm phát và thị trường lao động. Các báo cáo về việc làm đều chỉ ra rằng thị trường lao động đã có xu hướng yếu đi. Việc này khiến cho cánh cửa hạ lãi suất mở ra, không chỉ với tháng 9 mà cả các cuộc họp sau của năm nay".

Ông Sam Stovall - Chuyên gia đầu tư trưởng, Công ty CFRA chia sẻ: "Tôi nghĩ những điều ông ấy nói: nền kinh tế đang cân bằng, thị trường lao động có xu hướng hạ nhiệt, đều nhằm dọn đường cho khả năng giảm lãi suất - dù ông ấy không nói cụ thể mốc thời gian nào".

Thị trường Mỹ luôn có một công cụ khá tin cậy để dự đoán các thay đổi lãi suất, đó là FEDWatch của CME Group. Và ngay sau khi các dữ liệu lạm phát CPI được công bố, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 theo công cụ này chỉ còn là 12,8%, trong khi khả năng giảm lãi suất đã lên tới 87,2%.

Thị trường phản ứng sau dữ liệu lạm phát Mỹ

Chắc chắn là dữ liệu lạm phát mới đã góp phần tạo ra những biến động đáng kể đến các thị trường tài chính quốc tế, từ châu Âu cho tới Mỹ trong phiên giao dịch hôm nay

Chứng khoán châu u đã đón nhận các dữ liệu lạm phát tại Mỹ với phản ứng tích cực, khi kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất được củng cố. Chỉ số STOXX 600 của khu vực tăng 0,7%, với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ vốn nhạy cảm với lãi suất.

Trên thị trường năng lượng, những kỳ vọng về việc FED sớm cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, khiến giá dầu đồng loạt tăng nhẹ. Giá dầu Brent giao tháng 9 tăng 0,21% trong khi giá dầu WTI tăng 0,45%.

Tuy nhiên, tại Mỹ, Phố Wall lại phản ứng có phần thận trọng khi giới đầu tư vẫn đang đánh giá kỹ lưỡng các dữ liệu mới được công bố. Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ nhìn chung ít biến động vào đầu phiên giao dịch, trong đó, S&P 500 và Nasdaq vẫn đang giao dịch gần mức đỉnh đạt được trong phiên trước đó.

Những kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Chỉ số đồng đô la Mỹ - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đã suy giảm 0,42% xuống mức 104,51 và có lúc đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng qua - một diễn biến có thể sẽ tạo ra tác động tới các đồng tiền khác trên toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước