Những năm qua, với lợi thế về nguồn hoa dồi dào, phong phú từ các vùng dược liệu quý của núi rừng, các cánh rừng keo tràm, cây ăn trái đã tạo cơ hội để đàn ong ở vùng trà sơn Hà Tĩnh phát triển ở nhiều địa phương. Để nghề nuôi ong phát triển theo "chiều sâu", tỉnh Hà Tĩnh đã chú trọng để các hợp tác xã, các hộ nuôi ong liên kết với nhau theo chuỗi giá trị, nhất là khâu chế biến, tiêu thụ mật ong, bảo đảm chất lượng đồng đều và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hơn 10 năm nuôi ong lấy mật, anh Nguyễn Như Anh ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn đã sở hữu gần 200 đàn ong và thường xuyên tách đàn để bán cho bà con trong xã, các vùng lân cận. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi ong đã mang lại thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm cho gia đình anh.
Hương Sơn có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, đặc biệt trên địa bàn có nhiều loài hoa, dược liệu quý nên tạo ra mật ong chất lượng hơn vùng khác… Bên cạnh đó, người nuôi ong nắm bắt được các đặc tính của đàn ong như: quá trình xây tổ, chia đàn, am hiểu về mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật nên đảm bảo đàn ong khỏe mạnh, tạo sản lượng mật cao, chất lượng tốt.
Các đàn ong ở Hương Sơn có đặc tính riêng so với các vùng miền, đa số là ong tự nhiên được người dân thuần hóa, tạo chúa, chia đàn nên nghề nuôi ong đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập người dân.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, không khí trong lành, nghề nuôi ong phát triển mạnh mẽ. Những năm trở lại đây, tổng đàn ong tại huyện Hương Sơn không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn huyện có gần 4.500 hộ nuôi ong với trên 22.000 đàn ong lấy mật. Nghề nuôi ong đã mang về nguồn thu cho người dân Hương Sơn hàng chục tỷ đồng/năm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nghề nuôi ong.
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh - cho biết: "Nghề nuôi ong có từ lâu đời, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra thị trường, khuyến khích người dân mở rộng, phát triển, từ đó tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn".
Hiện tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển được hơn 45.000 đàn ong mật, tập trung ở các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc, giá trị sản xuất kinh tế đạt trên 60 tỷ đồng/năm.
Cùng với việc gia tăng tổng đàn ong, người dân ở Hà Tĩnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu mật ong, hướng đến phát triển bền vững. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực chế biến sâu các sản phẩm từ mật ong, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến quảng bá các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Mật ong Hà Tĩnh thậm chí đã xuất khẩu đi nước ngoài.
Từ nguồn mật ong nguyên chất, các thành viên của tổ hợp tác đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để tách thủy phân chân không, lọc khử khuẩn để chế biến sâu các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao như: mật ong ngâm nhung hươu, viên nghệ mật ong, mật ong chanh leo… Với sản lượng mật khoảng 12 - 15 tấn, giá bán 230 - 250.000 đồng/lít, tổ hợp tác đạt doanh thu từ 4 - 5 tỷ đồng mỗi năm.
Để chế biến sâu các sản phẩm từ mật ong, hợp tác xã đã liên kết với các hộ nuôi ong trên địa bàn Hà Tĩnh để chủ động hơn trong tiêu thụ và kết nối thị trường. Đồng thời, hợp tác xã cũng chú trọng quản lý, kiểm soát khâu đóng gói, bao bì của sản phẩm, bảo đảm chất lượng đồng đều và an toàn vệ sinh, từ đó tìm hướng xuất khẩu mật ong ra nước ngoài.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã mời các chuyên gia về tập huấn, chia sẻ các quy trình kỹ thuật sản xuất, kỹ năng bán hàng để người dân tiêu thụ sản phẩm mật ong, đồng thời tổ chức các hội chợ xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, thiết lập hệ thống bán hàng trên sàn thương mại điện tử như: Lazada, Sendo, Shopee hoặc trên mạng xã hội Tiktok, Zalo, Facebook.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng đàn ong trên địa bàn ước đạt trên 90.000 đàn. Cùng với đó, địa phương này đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến và các sản phẩm từ mật ong từng bước tạo ra chuỗi liên kết giá trị cao trong thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm mật ong ra nước ngoài.
Người nuôi ong điêu đứng vì mật ong giả VTV.vn - Trước tình trạng mật ong giả tràn lan trên thị trường như hiện nay, nhiều hộ nuôi ong đã bỏ nghề, không còn mặn mà với việc sản xuất mật ong tự nhiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!