Làm gì để hàng Việt nổi bật trên các kệ hàng quốc tế?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 04/06/2024 14:29 GMT+7

VTV.vn - Nông sản Việt Nam có chất lượng tốt tuy nhiên nếu khâu xúc tiến tiêu thụ không hiệu quả thì rất khó tăng được giá trị xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu

Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của nước ta đã tăng hơn 20% - đạt trên 24 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng với sự tăng trưởng của hầu hết các ngành hàng chủ lực. Xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản đã tăng từ 20 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu biểu có hạt tiêu đen với giá xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD/ tấn, tăng gần 40%. Cà phê có giá xuất khẩu bình quân là 3.480 USD/ tấn, tăng gần 50%. Gạo 5% tấm trung bình 638 USD/tấn, tăng khoảng 20%.

Cũng chính vì giá xuất khẩu tăng đã kéo theo giá thu mua nông sản trong nước tăng theo. Theo dự báo, nhu cầu của thế giới với nông sản Việt Nam sẽ còn tăng. Điều này mang đến nhiều cơ hội và thách thức với bà con nông dân và doanh nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.

Ngày 3/6, tại các vùng trồng tiêu trọng điểm trên cả nước, giá tiêu hôm nay tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới khi tăng thêm 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đẩy giá thu mua lên mức 139.000 đồng - 144.000 đồng/kg.

Từ đầu năm đến nay, không chỉ hồ tiêu, giá gạo hay cà phê hay đều đạt mức kỷ lục. Giá tăng, chủ yếu do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trên thế giới.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: "Cà phê hay ca cao, việc thời tiết bất lợi khiến sản lượng toàn cầu có thể bị giảm hơn 10%, thậm chí nhiều hơn nữa. Trong khi các mặt hàng nông sản có tính thời vụ và không thể bổ sung nguồn cung ngay lập tức. Vì vậy, kể cả khi không tăng thêm, tôi cho rằng giá nông sản vẫn tiếp tục neo ở vùng giá cao trong ngắn và trung hạn đến hết quý II năm nay".

Sản lượng giảm, nhưng kim ngạch vẫn tăng. Đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển hóa từ lượng sang chất. Mặt hàng cà phê trong 5 tháng vừa qua xuất khẩu lượng 833.000 tấn, giảm 3,9% về lượng, nhưng lại tăng tới hơn 44% về giá trị, đạt 2,9 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, trong nửa cuối năm, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu khi có nguồn cung nông sản lớn và ổn định. Tăng chất lượng là cách để tận dụng lợi thế này.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Rau quả Việt Nam đang có những tồn tại như về mặt chất lượng, về mặt kiểm tra, giám sát những việc trồng, chế biến, bảo quản, thực hiện đúng quy định của thị trường nước ngoài, làm sao để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn".

Ông Khổng Thanh Phong - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cuba nêu ý kiến: "Mặc dù châu Mỹ không phải là thị trường chủ lực về gạo, tuy nhiên, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Mỹ đã có những dấu hiệu rất tích cực. Gạo Việt Nam có chất lượng rất tốt, giá cả cạnh tranh. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là đối với các nhóm hàng hóa nông sản thực phẩm sẽ có những bước tăng trưởng và thâm nhập vào thị trường châu Mỹ nói chung".

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam sắp tới sẽ tiếp tục đàm phán, kí kết và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do, tận dụng ưu đãi thuế quan để tạo sức cạnh tranh, thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Làm gì để hàng Việt nổi bật trên các kệ hàng quốc tế? - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng nông sản của nước ta có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế

Phối hợp xúc tiến tiêu thụ nông sản

Nông sản Việt Nam có chất lượng tốt tuy nhiên nếu khâu xúc tiến tiêu thụ không hiệu quả thì rất khó tăng được giá trị xuất khẩu. Theo nhận định của Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng nông sản của nước ta có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, nhưng làm sao để nổi bật trên các kệ hàng luôn là câu chuyện đáng bàn và cần có những thay đổi trong thời gian sắp tới.

Theo Bộ Công Thương, hiện hệ thống phân phối của các thị trường xuất khẩu rất đa dạng, từ siêu thị, chợ nông sản, cửa hàng tạp hóa, thương mại điện tử. Nông sản Việt Nam phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thế giới nhưng lại chưa nổi bật trên kệ hàng. Đó là hệ quả của các công tác xúc tiến thương mại riêng lẻ, không mang câu chuyện, hình ảnh thương hiệu quốc gia.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Sự phối kết hợp giữa các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cơ quan đại diện ở nước ngoài chưa thực sự hiệu quả. Những hội chợ lớn cần có sự xuất hiện của hình ảnh quốc gia đâu đó vẫn còn có sự riêng rẽ giữa các địa phương, các hiệp hội cũng làm riêng và chưa có sự phối kết hợp".

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Dẫn dắt giữa Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp phải rất chặt chẽ. Cho nên, việc có được thị trường, xúc tiến được thương mại đẩy nông sản Việt Nam lên kệ của các siêu thị các nước là vấn đề quan trọng. Tới đây, ba Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để chúng ta thấy được nhu cầu của các thị trường".

Bên cạnh đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, việc tối ưu hoá mô hình logistics chuyên dụng hay ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây trong thời gian dài cũng là những đề xuất để tiêu thụ nông sản xuất khẩu thuận lợi hơn trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước