Nhận định trên có căn cứ bởi lâu nay Lâm Đồng có những lợi thế vượt trội về tự nhiên để phát triển nông nghiệp. Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, xu hướng trong thời gian tới, tham gia sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng không chỉ là những nông dân mà có cả những doanh nghiệp với số vốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp.
Đầu tư vào nông nghiệp không đơn thuần chỉ là thuê một quỹ đất, lựa chọn một cây trồng để canh tác như trước đây.
Những doanh nghiệp nông nghiệp, có thể khởi điểm là nông dân, sau một thời gian tích lũy vốn, đất đai, giờ phát triển sản xuất ở một mức cao hơn. Hoặc đó cũng có thể là các nhà đầu tư chuyển dòng vốn từ các lĩnh vực khác sang nông nghiệp, sau khi nhận ra những lợi thế nếu đầu tư vào nông nghiệp.
Những dự báo cho thấy, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh khi rào cản thuế suất thiết bị phục vụ nông nghiệp công nghệ cao được gỡ bỏ. Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, điều đầu tiên phải có nhà kính. Lâu nay, những thiết bị làm nhà kính khi nhập khẩu phải chịu mức thuế suất từ 15- 20%.
Từ giữa năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Quyết định 1528 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận. Một nội dung cụ thể của chính sách này là: nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại Đà Lạt, được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính mà trong nước chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có những động thái mời gọi đầu tư vào nông nghiệp ngay từ đầu năm nay. Tháng 2 vừa qua, 20 doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt ở Đà Lạt tìm hiểu cơ hội đầu tư mà chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất rau và hoa. Hiện tại, chỉ tính riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Lâm Đồng có đến 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp chiếm đến 60% dự án đã đi vào hoạt động ở tỉnh này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!