Nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm biểu lãi suất huy động. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng giảm từ 0,5 - 0,65%/năm. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 - 3 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 8,55%/năm xuống 7,9%/năm.
Tương tự , Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng giảm 0,3%/năm so với tuần trước, dao động từ 7,8 - 8,2%/năm cho tiền gửi truyền thống.
Với tiền gửi online, lãi suất tại VietABank có bước giảm mạnh hơn, từ mức 9 - 9,1%/năm xuống 8,5 - 8,6%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng; các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng cũng giảm tương ứng xuống còn 8,7%/năm.
Các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng, lãi suất tại VietABank đang áp dụng là 8,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại VietABank ở thời điểm hiện tại, thay vì mức 9,1%/năm như hồi đầu tuần.
Từ ngày 14/3, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn.
Tại Kienlongbank, lãi suất tiết kiệm cao nhất đã xuống dưới 9%/năm; trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 và 12 tháng cùng niêm yết ở mức 8,9%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 8,4%/năm. Các mức này đều giảm từ 0,2 - 0,4%/năm so với trước đó.
Còn tại NCB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện còn 8,5%/năm; 12 tháng là 8,55%/năm và 60 tháng là 8,2%/năm. So với biểu lãi suất hồi tuần trước, các mức này đều giảm từ 0,1 - 0,5%/năm. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này cũng giảm từ 9%/năm xuống 8,65%/năm, áp dụng cho tiết kiệm online kỳ hạn từ 15 - 30 tháng.
Cập nhật đến ngày 16/3, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của đa số các ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới 9%/năm như: Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)...
Như vậy, sau các đợt giảm lãi suất huy động liên tiếp, hiện chỉ còn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 9,2 và 9,1%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) cùng niêm yết ở vùng 9%/năm.
Trước đó, ngày 15/3, nhóm ngân hàng Big 4, gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về mức 7,2%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó.
Với kỳ hạn từ 6 - 9 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 5,8%/năm, riêng BIDV niêm yết lãi suất nhỉnh hơn cho kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm. Đây cũng là các mức huy động thấp nhất trong toàn hệ thống tại thời điểm này.
Động thái trên diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo giảm 1 điểm % một số mức lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên, có hiệu lực từ ngày 15/3.
Xu hướng giảm lãi suất được ghi nhận bắt đầu từ tháng 2/2023 tới nay trong điều kiện thanh khoản toàn hệ thống đã bớt căng thẳng so với hồi cuối năm trước.
Theo công bố của Ngân hàng nhà nước, mặt bằng lãi suất đến nay đã dần ổn định; lãi suất tiền gửi phát sinh của các ngân hàng hiện khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh khoảng 9,4%/năm.
Ngày 6/3, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 12 tháng tại các ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,2 - 0,5%/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!