Tác động tích cực từ giảm lãi suất điều hành
Hôm nay (15/3), lần đầu tiên trong 2 năm gần đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm tới 1%. Đây được cho là bước đi quan trọng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Việc cắt giảm 1% một số lãi suất điều hành là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng vốn giá rẻ hơn trước cho các ngân hàng thương mại, để từ đó các ngân hàng thương mại giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất vì thế sẽ được kéo giảm xuống.
Lãi suất giảm cũng có nghĩa là chi phí vay vốn rẻ hơn, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn vay đối với nhiều doanh nghiệp.
Lần đầu tiên trong 2 năm gần đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành. Ảnh minh họa.
Bất ngờ nhưng là hợp lý đó cũng là những đánh giá của các thành viên và chuyên gia tài chính về việc mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Dù còn phải có một độ trễ thời gian nhất định nhưng việc cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang là một chỉ dấu quan trọng cho thấy chính sách tiền tệ đã và đang phát huy sự chủ động, tích cực và linh hoạt để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Giảm lãi suất giúp doanh nghiệp vượt khó
Ngay trong chiều nay, Ngân hàng nhà nước đã họp bàn giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Lãi suất cao trong khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm khiến việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.
Từ khi thị trường xây dựng bất động sản ảm đạm, lượng hàng vật liệu xây dựng tồn kho tại Công ty Hanel Mirolin liên tục dồn ứ, trong khi đều đặn hàng tháng vẫn phải gánh lãi vay ngân hàng. Vì vậy, thông tin giảm lãi suất cho vay được doanh nghiệp chờ đợi từ lâu.
Chiều nay, Ngân hàng nhà nước đã họp bàn giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa.
Ngoài lãi suất, nhiều vướng mắc đã được các doanh nghiệp và ngân hàng nêu rõ trong Hội nghị chiều nay như ngân hàng đòi hỏi ngày càng cao về minh bạch tài chính và vốn đối ứng, trong khi trên 65% số doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Đa số trường hợp khó tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập. Các ngân hàng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định cho vay, hoặc không đáp ứng về tài sản đảm bảo.
"Hội nghị cũng là một trong những hoạt động để tạo thông điệp cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là những lĩnh vực thuộc động lực phát triển của nền kinh tế", ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.
Việc hội nghị bàn giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra ngay sau khi mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm được cho là tín hiệu tích cực, khẳng định cam kết của ngành ngân hàng thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp ưu tiên, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!