Quý III tăng trưởng âm 6,17% - một con số giảm sâu kỷ lục kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý từ năm 2000. Nếu tính cả 9 tháng đầu năm, GDP ước chỉ tăng 1,4% so với vùng kỳ. Mặc dù vậy, theo báo Tiền Phong, triển vọng trong dài hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tốt.
Tờ báo trích nhận định của Tổng cục thống kê cho thấy, trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài thì tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì mức dương là kết quả tích cực.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, trước những khó khăn của dịch bệnh, chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Đến ngày 21/9, tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, riêng TP Hồ Chí Minh đã chi trên 5.445 tỷ đông, trao hơn 1,8 triệu túi an sinh cho người dân.
Bước qua đáy khó khăn để phục hồi
Nhìn vào các giải pháp đó và phân tích về các con số về kinh tế 9 tháng đầu năm, tờ Thời báo ngân hàng đã đưa ra một góc nhìn tương đối khác biệt. Theo tờ báo, các số liệu cho thấy kinh tế Việt Nam đã bước qua "đáy khó khăn" để phục hồi.
Các chuyên gia nhận định, tình hình không hoàn toàn màu xám khi chúng ta tiếp tục giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, xuất khẩu 9 tháng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ…
Bước ngoặt tất yếu
Còn theo báo Sài Gòn giải phóng, có những yếu tố tích cực tạo đà cho tăng trưởng, đó là độ phủ vaccine đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các khu đô thị lớn, trung tâm kinh tế; dịch đang dần được kiểm soát; lạm phát tăng thấp dưới 4%; mặt bằng lãi suất bình quân giảm, gần 74% doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo được khảo sát đánh giá quý IV sẽ ổn định và tốt hơn.
Phục hồi nền kinh tế: Các lựa chọn chính sách
Nói cách khác, nếu nhìn một cách tổng thể, vẫn có những nền tảng kinh tế để phục hồi nhưng cần nhanh chóng có những điều chỉnh để cho sự phục hồi ấy diễn ra nhanh, mạnh hơn. Báo Đầu tư cho rằng, chính sách hỗ trợ cần thay đổi và doanh nghiệp nhận hỗ trợ cũng phải thay đổi.
Theo bài viết, không gian tài khóa của Việt Nam vẫn còn đủ mạnh để làm tốt hơn, so với các nước ASEAN nên vẫn có thể tăng thêm trần nợ công và thâm hụt ngân sách để hỗ trợ ứng phó với đại dịch. Dù có lo ngại nhưng cũng nên sớm nhận ra, nếu đại dịch không được kiểm soát, mọi hậu quả sẽ tạo ra rủi ro thậm chí còn lớn hơn với sự thịnh vượng lâu dài của nền kinh tế và tính bền vững tài khóa, tiền tệ.
Cũng theo phân tích trên báo Đầu tư, một nhiệm vụ then chốt lúc này để thúc đẩy tăng trưởng lại được đặt vào công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng chính phủ cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt với công tác này khi 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách mới đạt 47,38% kế hoạch.
Tờ báo cho rằng, bên cạnh các giải pháp về điều chỉnh quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính thì cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; không thể chậm trễ và lơ là. Hơn bao giờ hết, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phải là nhiệm vụ then chốt của nền kinh tế.
3 tháng, phải giải ngân hết 250.000 tỷ đồng
Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2021, nhưng vẫn còn khoảng 250.000 tỷ đồng phải giải ngân. Cũng từ ngày 1/10, các biện pháp nới lỏng giãn cách đã được áp dụng tại TP Hồ Chí Minh, trước đó thì Hà Nội, Đà Nẵng cũng bắt đầu nới lỏng từng bước. Chúng ta đang dần phải thích ứng với dịch bệnh, nhưng bệnh chung về giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải do dịch bệnh mà cần phải nhanh chóng được điều trị, tạo một động lực lớn để nền kinh tế nỗ lực bứt phá cuối năm, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!