Kinh tế Việt Nam 2022: Triển vọng và thách thức

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 01/01/2022 13:04 GMT+7

VTV.vn - Những chính sách điều hành linh hoạt của Đảng và Chính phủ trong năm 2021 đã giúp nền kinh tế phục hồi trở lại. Vậy những chỉ báo nào cho triển vọng kinh tế năm nay?

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 đã khép lại ở con số tăng trưởng 2,58%. Đó là những nỗ lực không nhỏ của cả nước trong một năm kinh tế - xã hội đầy thách thức để có thể đạt được mức tăng trưởng dương trong cả năm.

Trong bức tranh kinh tế năm 2021, mức tăng trưởng âm trong quý III do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã kéo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng giúp kinh tế Việt Nam phần nào phục hồi sau thời điểm khó khăn nhất của quý III.

Kinh tế Việt Nam 2022: Triển vọng và thách thức - Ảnh 1.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2022. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nhất khi tổng kim ngạch đạt hơn 668 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5% và cán cân thương mại quý IV đã đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu, qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư khoảng 4 tỷ USD.

Kết quả trên tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Điều này cộng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm nay chỉ tăng 1,84% - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài chính, tài khóa trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Điều hành kinh tế theo hướng thích ứng với dịch bệnh

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã khiến số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giảm gần 11%, trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại tăng gần 18% và chủ yếu là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Những khó khăn này chính là thử thách không nhỏ đối với việc điều hành kinh tế. Vậy làm sao để giảm tổn thương, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội là vấn đề đặt ra cho nền kinh tế trong năm 2022?

Kinh tế Việt Nam 2022: Triển vọng và thách thức - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.

Mức độ tác động của dịch bệnh đã vượt qua những dự báo và gây ảnh hưởng tới tất cả các trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam. Nhiều mô hình đã được thử nghiệm, điều chỉnh nhưng chỉ khi Nghị quyết 128 được ban hành mới giúp khơi thông tư duy về chống dịch, giải tỏa các các chốt chặn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh trở lại.

"2021 là một năm đầy khó khăn đối với Việt Nam. Việt Nam đã có sự phục hồi đáng ghi nhận trong những tháng cuối năm. Bước ngoặt này có được từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, chỉ có thích ứng an toàn mới có thể phục hồi sản xuất, giảm tổn thương của nền kinh tế", ông Jacques Moriset - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.

Cũng phải nhìn nhận, việc phục hồi, phát triển kinh tế năm vừa qua đã gắn liền với các quyết sách về y tế, đặc biệt là quyết tâm đẩy nhanh diện bao phủ tiêm chủng trên toàn quốc.

"Đây là quyết định hết sức táo bạo, thậm chí các nước trong khu vực các tổ chức quốc tế không thể tin được là trong quý IV chúng ta gần như hoàn thành vượt chỉ tiêu. Đây là nền tảng rất quan trọng cho thực hiện Nghi quyết 128 trong quý IV", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay.

Việc cân đối các chính sách cũng đã được tính toán để đảm bảo kinh tế có thể giữ được nền tảng ổn định, là điều kiện để thực hiện nhiều chính sách điều hành tài chính, tài khóa và an sinh xã hội.

Với chính sách tài khoá, hầu hết là các gói hỗ trợ mang tính gián tiếp giãn, hoãn thuế… với tổng giá trị quy đổi 3% GDP. Như vậy, chúng ta vẫn còn chậm trong việc đưa ra các gói kích thích kinh tế hiện nay. Vậy các chính sách nào cần tiếp tục được đẩy mạnh? Dịch COVID-19 đang làm thay đổi sâu sắc bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động bởi những rủi ro nào trong năm 2022?

Xung quanh những vấn đề trên, chương trình Sự kiện Bình luận với sự tham gia của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đã có những phân tích, bình luận chi tiết!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước