Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 27/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến cho rằng xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán gần đây thể hiện việc các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi theo hình chữ V (giảm sâu và bật tăng mạnh trở lại ngay khi chạm đáy) của nền kinh tế Mỹ.
Theo ông Krugman, nếu các nhà đầu tư thực sự tin tưởng vào sự phục hồi theo hình chữ V của kinh tế Mỹ, quyết định giảm mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được đưa ra giữa lúc mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 trở nên rõ ràng đã có thể giúp đảo ngược tình thế. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra. Nhà kinh tế Krugman cũng nhắc lại rằng, khi các nhà đầu tư sai lầm tin tưởng vào sự phục hồi theo hình chữ V của nền kinh tế trong năm 2009, lãi suất dài hạn đã lập tức tăng trở lại.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman có cái nhìn khá tiêu cực vào nền kinh tế Mỹ dù thị trường chứng khoán tăng điểm liên tục ít ngày qua bất chấp ảnh hưởng từ COVID-19
Bình luận của ông Krugman được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến mức tăng hàng tuần đầu tiên trong ba tuần trở lại đây, bất chấp số liệu mới nhất về tình hình ảm đạm trên thị trường lao động Mỹ. Cụ thể, kết thúc tuần chốt phiên 8/5, tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 tăng lần lượt 2,5% và 3,5%.
Kết quả lạc quan này được ghi nhận bất chấp số liệu mới nhất cho thấy các biện pháp phong tỏa và hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã làm mất 20,5 triệu việc làm tại Mỹ trong tháng 4/2020, qua đó "cuốn trôi" gần như tất cả số việc làm được tạo ra trong thập kỷ trước của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/5, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 4/2020 đã tăng lên 14,7% - mức cao kỷ lục so với thời kỳ đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và vượt cả tỷ lệ thất nghiệp 10,8% của tháng 11/1982 - mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức đáng báo động
Theo ông Ulas Akincilar, người phụ trách mảng đầu tư tại công ty môi giới Infinox, đây là mức sụt giảm rất lớn và mang tính lịch sử. Nhưng nó lại không hoàn toàn tồi tệ như dự báo của giới quan sát trước đó và không gây tổn hại nhiều tới lòng tin của nhà đầu tư. Các thị trường tuy thừa nhận những báo cáo kinh tế là khá xấu, nhưng chúng không khác biệt đáng kể so với dự kiến. Thay vào đó, họ tập trung vào những tin tức tích cực hơn như hoạt động kinh tế ở một số khu vực của Mỹ và châu Âu đang từng bước khởi động lại.
CNBC dẫn lời Art Hogan, chuyên gia về thị trường tại National Securities, nhận định có một số nhà đầu tư dường như "phớt lờ" những dữ liệu kinh tế và báo cáo doanh thu tiêu cực để hướng tới triển vọng tiềm năng khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại.
Ông Hogan lưu ý khi một cuộc khủng hoảng tài chính mới chớm xuất hiện vào tháng Ba khiến chi phí vay nợ của công ty tăng lên và giá cổ phiếu giảm, FED đã kịp thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng đó và nhờ vậy thị trường chứng khoán đã hồi phục.
Mặc dù nhấn mạnh vai trò của các chính sách tiền tệ mạnh mẽ của FED, chuyên gia Krugman cũng cảnh báo về hậu quả không lường trước, với việc chính quyền Mỹ có thể nghĩ rằng triển vọng thị trường chứng khoán đang lạc quan và quyết định không triển khai thêm cứu trợ kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!