"Dòng người rồng rắn đội nắng mưa để mua cà phê Starbuck", "Hàng nghìn người xếp hàng thưởng thức đồ ăn nhanh MacDonald", đã có một thời, đây là tiêu đề của hàng trăm bài báo cùng những bức ảnh mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng khao khát.
Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của quá khứ, bây giờ chẳng còn cảnh xếp hàng hay tranh nhau check-in tại Starbuck hay MacDonald nữa. Hiện thị trường bắt đầu có dấu hiệu đào thải, không ít thương hiệu nước ngoài phải thu hẹp mạng lưới hay rút khỏi thị trường.
Đại gia thoái lui, đơn giản, vì đối với ngành công nghiệp cà phê và thức ăn nhanh, Việt Nam là một thị trường non trẻ có sức lan tỏa của sự cuồng si, nhưng độ trung thành với thương hiệu cũng thật mong manh.
Và dù có lợi thế về tài chính, kinh nghiệm vận hành và quản trị bài bản, nhưng nhiều "ông lớn" vẫn gặp vấn đề vì không hiểu phong cách tiêu dùng và định giá quá cao so với mức chi trả của người Việt. Nhưng điều khiến các doanh nghiệp nước ngoài đau đầu và bất ngờ nhất là: cạnh tranh từ thương hiệu Việt.
Trong khi các chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh hay cà phê quốc tế gặp khó hoặc đóng cửa đều do chi phí đầu tư ban đầu quá cao, còn tiền vận hành của các chuỗi Việt Nam rẻ chỉ bằng một nửa, dẫn đến giá thành của sản phẩm cũng rẻ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các DN Việt đã đánh đúng đối tượng khách hàng là người trẻ, dù thu nhập không cao, nhưng tận dụng được thói quen đến nhanh - đi nhanh, nên tính ra lượt khách rất đáng kể. Bên cạnh đó, một số thương hiệu Việt đã chủ động được nguồn nguyên liệu, không chỉ đầu tư kinh doanh mà còn đầu tư tự nuôi trồng, sản xuất để có được mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Trong khi các ông lớn bán lẻ Việt Nam dễ dàng bị nước ngoài thâu tóm, kinh doanh theo chuỗi lại đem đến bức tranh rất khả quan từ các doanh nghiệp nội, từ các Start-up, dù không mạnh về vốn nhưng lại rất dũng cảm và sáng tạo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!