Cà phê Amazon - thương hiệu chuỗi cà phê đa quốc gia được đánh giá là lớn nhất thị trường Thái Lan vừa công bố kế hoạch phủ rộng cửa hàng tại Việt Nam. Phân khúc họ chọn là trung cấp, đây cũng là phân khúc đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt nhất trên thị trường này.
Theo chủ quản Cà phê Amazon, Việt Nam là một trong 10 thị trường ngoài Thái Lan mà công ty mẹ dự kiến sẽ chi đến 2,5 tỷ USD để mở rộng độ phủ trong 5 năm tới.
Cà phê Amazon chỉ là cái tên thương hiệu ngoại mới nhất, bày tỏ tham vọng với thị trường chuỗi bán lẻ cà phê, trị giá tỷ USD của nước ta, theo sau những cái tên như Starbucks hay The Coffee Bean and Tea Leaf. Dù rằng thị trường này chưa bao giờ là món "dễ xơi" đối với các thương hiệu nước ngoài.
Chuỗi cà phê hàng đầu Thái Lan vừa cho biết họ đã có kế hoạch nhân rộng các cửa hàng cà phê ra khắp thị trường Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: Renews)
Giới trong ngành cho rằng, mức độ tiêu thụ cà phê bình quân đầu người mỗi năm ở nước ta hiện thấp hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới đã tạo dư địa thị trường hấp dẫn doanh nghiệp ngoại.
Ông Đinh Anh Huân - Chủ tịch HĐQT Chuỗi The Coffee House cho biết: "Các bạn thế hệ gen Z đang trở thành một tập khách hàng lớn, luôn muốn thử cái mới, cái khác biệt... mở ra tiềm năng cho một thị trường f&b đa dạng và lớn".
Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, giá trị thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam hiện đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Các doanh nghiệp nội tỏ ra có ưu thế hơn nếu xét về số lượng thương hiệu và lượng cửa hàng. Báo cáo doanh thu những năm gần đây cũng ghi nhận thương hiệu Việt The Coffee House vượt mặt ông lớn ngoại Starbucks để chiếm vị trí thứ 2.
Mức độ tiêu thụ cà phê bình quân đầu người mỗi năm ở nước ta hiện thấp hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới. Ảnh minh họa - Dân trí.
Trước đó nhiều thương hiệu đa quốc gia tiếng tăm đã phải chấp nhận bỏ cuộc tại Việt Nam chỉ sau vài năm chịu lỗ cho thấy tính đào thải khắc nghiệt của ngành này với doanh nghiệp ngoại.
"Dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn của thế giới, nhưng nhiều chuỗi ngoại vẫn phải nhập cà phê về để đáp ứng tiêu chuẩn. Điều này khiến chi phí tăng cao, giá thành trở nên đắt đỏ. Các thương hiệu ngoại cạnh tranh được tại Việt Nam, nhưng họ bị giới hạn trong phân khúc cao cấp", ông Sean T.Ngo - Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Nhượng quyền VF Franchise Consulting nói.
Dù vậy giới quan sát nhận định không loại trừ khả năng các doanh nghiệp ngoại với tiềm lực tài chính dồi dào sẽ tính mua lại các chuỗi cà phê nội đầu ngành để mở rộng thị phần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!