“Kim chỉ nam” cho các nhà đầu tư tiền số

Ngọc Hiền-Thứ bảy, ngày 29/03/2025 07:56 GMT+7

VTV.vn - Với mức biến động mạnh và rủi ro cao, đầu tư tiền số không dành cho những ai thiếu hiểu biết

Không thể trông chờ vào may mắn

Thị trường tài sản mã hóa - tiền số tại Việt Nam đang ngày càng phát triển với số lượng nhà đầu tư không ngừng gia tăng. Theo báo cáo từ Triple A, năm 2024, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tiền số, nằm trong nhóm 7 quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền số cao nhất thế giới. Dữ liệu từ Chainalysis cũng cho thấy, giá trị giao dịch tiền số trong năm qua đạt 105 tỷ USD, dù giảm so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao, phản ánh sức hút mạnh mẽ của lĩnh vực này.

Không thể phủ nhận rằng, tiền mã hóa mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít rủi ro, bản chất biến động mạnh và chưa có khung pháp lý rõ ràng tại Việt Nam khiến không ít người lao vào đầu tư theo tâm lý đám đông, dẫn đến những khoản thua lỗ lớn.

“Kim chỉ nam” cho các nhà đầu tư tiền số - Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

Câu chuyện của anh T.H, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, đã tham gia vào thị trường tiền số từ năm 2017 vì bị thu hút bởi “vòng xoáy” lợi nhuận hấp dẫn. Anh H quyết định rót 500 triệu đồng vào một loại tiền số mới nổi. Đến khi quyết định cắt lỗ, số vốn còn lại của anh chỉ còn chưa đến 50 triệu đồng. "Lúc đó, vì tin vào tiềm năng tăng trưởng của tiền số, đặc biệt là những dự án có cộng đồng đông đảo. Nhưng chỉ sau vài tháng, đồng tiền tôi đầu tư lao dốc, mất hơn 90% giá trị", anh H chia sẻ.

Tương tự câu chuyện trên, năm 2023, anh N.Q.D (32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã đầu tư vào một đồng tiền số có xu hướng tăng mạnh. Khi thấy lợi nhuận ngày càng lớn, anh tiếp tục rót thêm tiền với mong muốn thu về khoản lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, khi số tiền đầu tư đã lên đến 900 triệu đồng, giá trị đồng tiền số này bất ngờ lao dốc không phanh, khiến anh mất sạch số vốn ban đầu. Vì quyết tâm “gỡ lại”, anh D tiếp tục đổ thêm 200 triệu đồng với hy vọng vớt vát, nhưng một lần nữa mất trắng.

Không chỉ những người tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng gặp rủi ro, ngay cả những ai bước chân vào thị trường mà chưa hiểu rõ về nó cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của các dự án lừa đảo. Anh M.A (35 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ điển hình khi chạy theo tâm lý đám đông mà không tìm hiểu kỹ về cơ chế vận hành và tính pháp lý của dự án trước khi xuống tiền.

“Theo lời giới thiệu từ bạn bè, tôi tham gia vào một dự án được quảng bá là “chắc thắng”. Thấy nhiều người đầu tư, tôi cũng xuống gần 1 tỷ đồng mà không đắn đo quá nhiều. Nhưng chỉ sau vài tháng, dự án đột ngột biến mất, website bị xóa, tôi cũng không biết tiền của mình đi về đâu", anh A tiếc nuối.

Dù nhiều người thua lỗ, vẫn có những cá nhân thành công, thậm chí thu về lợi nhuận khổng lồ nhờ sự tăng giá đột biến của các đồng tiền số. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự may mắn nhất thời không thể thay thế cho chiến lược bền vững. Để tồn tại và phát triển trong thị trường đầy biến động này, người dân cần có tầm nhìn dài hạn, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư và đặc biệt là kiểm soát rủi ro ở mức có thể chấp nhận được.

Đi tìm “kim chỉ nam” cho các nhà đầu tư

Đánh giá về tính khả quan của việc tạo ra lợi nhuận từ tiền số, ông Harry Vũ, một chuyên gia trong lĩnh vực cung cấp giải pháp về blockchain cho biết, việc kiếm tiền từ tiền số là hoàn toàn khả thi, nhưng nếu không trang bị đủ kiến thức và sự cẩn trọng, nhà đầu tư có thể rơi vào tình trạng mất “cả chì lẫn chài”.

“So với thị trường chứng khoán – lĩnh vực đã có hành lang pháp lý tại Việt Nam và mức độ tin cậy cao hơn, nhưng vẫn có tới 70% nhà đầu tư thua lỗ, chỉ khoảng 30% có lợi nhuận. Với tiền mã hoá, con số này còn khắc nghiệt hơn, 90% nhà đầu tư có thể mất tiền”, vị chuyên gia nhận định.

“Kim chỉ nam” cho các nhà đầu tư tiền số - Ảnh 2.

Harry Vũ, một chuyên gia trong lĩnh vực cung cấp giải pháp về blockchain.

Chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên có những chiến lược và lựa chọn khôn ngoan bằng cách tìm hiểu kỹ về độ tin cậy, đội ngũ đứng sau, lộ trình phát triển và ứng dụng thực tế của các dự án trước khi đổ tiền đầu tư. Nếu một dự án không thể trả lời rõ ràng những câu hỏi này, thì khả năng cao nó là một nền tảng rủi ro.

Tại Việt Nam, một trong những vấn đề lớn nhất của thị trường tiền số hiện nay là sự thiếu rõ ràng về mặt pháp lý. Ông Vũ cho rằng, nếu Việt Nam có khung pháp lý chặt chẽ, việc cấp phép và giám sát các sàn giao dịch sẽ giúp hạn chế tình trạng thao túng giá và bảo vệ nhà đầu tư khỏi các dự án lừa đảo.

"Chúng ta có thể học hỏi mô hình từ các thị trường tài chính truyền thống. Chẳng hạn, chứng khoán có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát, còn tiền số nếu có cơ quan quản lý tương tự, thì thị trường sẽ trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn rất nhiều. Khi đó, nhà đầu tư sẽ không còn rơi vào những cái bẫy tài chính như trước đây", ông Vũ nhấn mạnh.

Đại diện Liên minh Blockchain Việt Nam cũng cho rằng, bản chất của tiền số không xấu, nhưng thị trường này có những đặc thù riêng khiến nó trở nên rủi ro đối với những ai thiếu kiến thức và kinh nghiệm. "Thị trường tiền số hiện nay chưa có cơ chế bình ổn giá như chứng khoán, khiến giá trị tài sản số có thể dao động mạnh, thậm chí tăng hoặc giảm hàng chục phần trăm chỉ trong vài giờ. Vì vậy, nếu muốn đầu tư vào tiền số, người dân cần xác định rõ mục tiêu: đầu tư ngắn hạn hay dài hạn", chuyên gia phân tích.

“Kim chỉ nam” cho các nhà đầu tư tiền số - Ảnh 3.

Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ về tiền số.

Những nhà đầu tư ngắn hạn thường dựa vào phân tích kỹ thuật để tìm kiếm lợi nhuận từ biến động giá. Họ không quan tâm nhiều đến giá trị nội tại của đồng tiền mà chủ yếu theo dõi biểu đồ giá, xu hướng thị trường và tâm lý đám đông.

Một số chuyên gia cảnh báo, những nhà đầu tư có kinh nghiệm và hiểu rõ về phân tích kỹ thuật, họ có thể kiếm tiền trong thời gian ngắn. Song, điều này không dành cho tất cả mọi người, vì biên độ dao động của tiền số rất lớn. Nếu không kiểm soát được cảm xúc và không có chiến lược quản lý rủi ro, nhà đầu tư sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái “mua đỉnh, bán đáy”.

Dù tiền số có thể tạo ra cơ hội làm giàu nhanh chóng, song, cũng như bất kỳ thị trường khác, nó không dành cho những người thiếu kiên nhẫn và thiếu kiến thức. Trong một thị trường đầy biến động như tiền mã hoá, sự chuẩn bị kỹ càng chính là yếu tố quan trọng nhất để thành công.

Tiền số vẫn là một thị trường mới với nhiều tiềm năng, nhưng đồng thời cũng chứa đựng không ít rủi ro. Những ai muốn tham gia vào lĩnh vực này cần trang bị đầy đủ kiến thức, có chiến lược quản lý rủi ro hợp lý và tránh chạy theo tâm lý đám đông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước