So với mức tăng trưởng bình quân 8 - 10%/năm của những năm trước đây, mức tăng kiều hối năm nay về TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 1/10.
Sau khi suy giảm trong 2 quý đầu năm, lượng kiều hối bắt đầu có sự phục hồi trở lại từ quý III, tuy nhiên có sự khác biệt lớn về nguồn tiền, cũng như về địa phương nhận kiều hối.
Lượng kiều hối chuyển về các tỉnh phía Bắc, Trung Bộ sụt giảm khoảng 20%, theo ghi nhận của một số công ty chi trả, do nguồn chuyển về chủ yếu từ lao động xuất khẩu. Trong khi lượng tiền chuyển về khu vực phía Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng, như tại TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối tăng nhẹ 0,82%.
Trong nước, mùa cao điểm kiều hối mới sẽ bắt đầu sau Tết Dương lịch. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo các dự báo của Ngân hàng Thế giới, kiều hối chuyển về trên toàn cầu giảm khoảng 14% trong năm nay do tác động của COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tăng 1 bậc, từ vị trí thứ 10 lên thứ 9, với lượng kiều hối suy giảm ít hơn, khoảng 7%. Đây là lần đầu tiên lượng kiều hối chuyển về suy giảm trong 10 năm qua.
"Kiều hối giảm nhưng được bù đắp bởi thặng dư của cán cân hàng hóa nên thặng dư cán cân vãng lai của mình vẫn dương. Vì vậy, lượng kiều hối suy giảm không làm thiếu hụt ngoại tệ", chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối có thể sẽ còn tiếp tục suy giảm trong năm sau, đặc biệt nguồn tiền chuyển về từ lao động ở nước ngoài do ảnh hưởng bởi COVID-19, mức suy giảm tương đương năm nay. Trong nước, mùa cao điểm kiều hối mới sẽ bắt đầu sau Tết Dương lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!