Thời điểm này là giai đoạn nước rút cho các dự án đầu tư điện Mặt Trời, khi gần sát đến 30/6/2019, thời hạn hết hiệu lực của Quyết định 11 về khuyến khích đầu tư điện Mặt Trời với mức giá mua điện ưu đãi. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư điện Mặt Trời vẫn phải đối mặt với thách thức lớn khác về việc lưới điện quốc gia đang không đáp ứng được lượng công suất điện Mặt Trời mà doanh nghiệp đăng ký.
Đây là những vấn đề lớn được thảo luận tại sự kiện quốc tế về năng lượng The Solar Show 2019 đang được tổ chức tại TP.HCM.
Sau khi Quyết định 11 về giá mua điện Mặt Trời có hiệu lực, hiện có 365 dự án với tổng công suất 29.000 MegaWatt được đăng ký đầu tư. Trong đó, gần 40% số dự án là được bổ sung vào quy hoạch. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực EVN nhận định, dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới điện quốc gia. Một phần vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 - 5 năm, trong khi để làm điện Mặt Trời mất khoảng 1 năm.
Ước tính sẽ có 100 dự án điện Mặt Trời kịp thời hoàn thành trước thời hạn 30/6. Tuy nhiên, với một số địa phương như Ninh Thuận, do tập trung quá nhiều dự án điện Mặt Trời nên gây khó cho chủ đầu tư trong việc theo kịp tiến độ, Chính phủ đang có động thái đầu tiên để gia hạn áp dụng giá mua điện ưu đãi đến năm 2020 - 2021 cho một số nơi.
Với các tín hiệu này, giới đầu tư nước ngoài nhận định dù còn nhiều thách thức nhưng tương lai phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam vẫn nhiều hứa hẹn.
Theo giới chuyên gia, ngay từ thời điểm này, giới đầu tư đã bắt đầu tìm kiếm các địa phương có giá đất rẻ hơn để đầu tư điện Mặt Trời trong những năm tới, khi giá mua điện không còn ở mức ưu đãi và buộc nhà đầu tư phải giảm chi phí sản xuất điện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!