3 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đà phát triển này, mục tiêu xuất khẩu khoảng 14 tỷ USD năm nay sẽ là khả thi. Để đạt được mục tiêu đó, việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu (gỗ tự nhiên) là rất cần thiết. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu".
Chính phủ Việt Nam cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi nguồn cung. Cam kết này thể hiện qua Hiệp định Đối tác tự nguyện được ký kết với EU từ năm 2019 và Việt Nam cũng ban hành Nghị định 102/2020 quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Theo Nghị định này, gỗ nhiệt đới nhập khẩu là nguồn gỗ có rủi ro cao về tính hợp pháp và cần kiểm soát chặt chẽ.
Nhận thấy những rủi ro pháp lý từ gỗ nhiệt đới nhập khẩu, một số công ty gỗ đã chuyển hướng nhập khẩu gỗ rừng trồng đầy đủ chứng chỉ từ trong nước và EU, Mỹ.
Chính phủ Việt Nam cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi nguồn cung. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Còn với công ty đang nhập khẩu gỗ nhiệt đới từ Cameroon, Nghị định 102 ra đời, doanh nghiệp gấp rút tìm hiểu nhằm bổ sung thêm các giấy tờ để đảm bảo gỗ hợp pháp.
Noài ra, ngành hải quan cũng sẽ cùng Tổng cục Lâm nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình kiểm soát gỗ nhập khẩu.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp nghiên cứu trong việc triển khai ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống một cửa quốc gia khi giải quyết thủ tục hành chính, không yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giấy", ông Đào Duy Tám, Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết.
Để dễ dàng cho khâu quản lý, Hiệp hội gỗ cùng Tổng cục Lâm Nghiệp đang xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về giấy tờ, nguồn gốc gỗ rừng nhiệt đới, để đảm bảo gỗ hợp pháp theo đúng Nghị định 102.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!