Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán cũng như những tháng đầu năm 2025, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân, ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 02 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong Công điện, Thủ tướng đưa ra nhiều yêu cầu cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, phải tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, có chương trình khuyến mãi thiết thực cho người tiêu dùng.
Nhìn lại con số của tháng 12/2024: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 570.700 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước đó và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023. Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều tiềm năng để kích thích nhu cầu của thị trường trong nước, đặc biệt là trong mùa Tết.
Thực tế, mùa mua sắm Tết luôn được các địa phương, các nhà bán lẻ lên sẵn kế hoạch, từ nguồn cung, cho đến các chương trình giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua.
Hà Nội: đảm bảo nguồn cung, kích cầu tiêu dùng mua sắm Tết
Trong 2 tuần qua, sức mua tại siêu thị đã tăng 40% so với ngày thường, dự báo càng gần Tết Nguyên đán, sức mua sẽ có thể tăng gấp 3 lần.
Giá hợp lý, mẫu mã đẹp và chất lượng được đảm bảo là lý do anh Dương lựa chọn các set quà Tết nội địa. Là giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội, như mọi năm, trước Tết khoảng 2 tuần, anh Dương lại chuẩn bị các set quà để đem biếu tặng.
"Xu thế những sản phẩm OCOP được đánh giá rất cao, trải qua những quy trình rất khắt khe để được sản phẩm OCOP. Chúng tôi cũng sẽ ưu tiên các sản phẩm vùng miền để tặng khách hàng", anh Nguyễn Văn Dương, quận Tây Hồ, TP Hà Nội chia sẻ.
Những chương trình giảm giá cũng là một trong những yếu tố giúp kích cầu sức mua.
"Khuyến mại giảm giá, tôi cứ nhìn vào giấy vàng là tôi xem và mua. Bình thường mua 1 thôi nhưng giảm như này có thể mua nhiều hơn", bà Nguyễn Thị Thanh Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ.
Trong 2 tuần qua, sức mua tại siêu thị đã tăng 40% so với ngày thường, dự báo càng gần Tết Nguyên đán, sức mua sẽ có thể tăng gấp 3 lần. Để đáp ứng nhu cầu này, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa từ sớm, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, với lượng dự trữ gấp 3 lần so với bình thường.
Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC, Go!, Tops Market khu vực miền Bắc cho biết: "Việc chúng tôi có những dự báo tốt về sản lượng cũng như làm việc với nhà cung cấp từ tháng 8, tháng 9 trong năm cũng như các kế hoạch khuyến mãi, chương trình giữ giá chúng tôi đã làm việc trước. Tại mỗi điểm bán chúng tôi đã tăng lên 30 - 50% diện tích trữ hàng".
"Trong những ngày cận Tết thì nhân sự của cửa hàng tăng cường 100%, hàng hóa luôn được bổ sung", anh Phan Trung Lộc, cửa hàng trưởng SibaFood An Khánh cho hay.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết năm nay đã tăng 20% so với ngày thường. Tính đến thời điểm hiện tại, sức mua đã tăng 10% và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình về kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết chúng tôi sẽ đưa hàng hóa về các khu cụm công nghiệp để phục vụ công nhân. Đặc biệt sẽ mở các sự kiện về kết nối cung cầu qua các kênh".
Từ nay đến Tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng hàng hóa để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường minh bạch trong kinh doanh.
Nhiều chính sách chăm lo Tết, công nhân phấn khởi tăng gia sản xuất
Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tăng thưởng Tết lên 5-10% so với năm trước, công bố sớm cho người lao động nắm thông tin, chi trả sớm để người lao động chi tiêu, mua sắm Tết.
Cũng trong Công điện 02, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tích cực chăm lo đời sống cho người lao động, chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động kịp thời, đúng quy định, bảo đảm cho mọi người lao động đều có Tết.
Tăng thưởng Tết lên 5-10% so với năm trước, công bố sớm cho người lao động nắm thông tin, chi trả sớm để người lao động chi tiêu, mua sắm Tết. Đây là quyết định chung của nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh sau 1 năm sản xuất, kinh doanh thành công. Thời điểm này, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra sôi nổi, tích cực với sự hào hứng của người lao động.
Mới vào làm việc được hơn nửa năm, Tết này, chị Loan vẫn có thưởng Tết khoảng 1 tháng lương cơ bản. Công việc ổn định lại có thêm thưởng khiến chị yên tâm hơn khi ngày Tết cận kề.
"Một tháng mình làm được tăng ca, cộng lương cơ bản thì được 8 - 9 triệu. Năm nay phấn khởi do làm được. Thưởng tiền nhiều thì mình về quê thong thả, vui", chị Nguyễn Thị Kim Loan, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.
"Mong chờ cuối năm được tiền thưởng. Qua Tết vào làm lại ngày 2 ngày là có tăng ca lại rồi vì việc nhiều", chị Nguyễn Trà Huê, tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Với hơn 8.000 người lao động, doanh nghiệp ngành da giày cho biết, đã dành trên 170 tỷ đồng để chăm lo Tết. Các khoản lương tháng 1, thưởng Tết, trả phép năm được chi trả sớm vào đầu tuần sau.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết: "Năm nay quỹ thưởng Tết chúng tôi tăng với năm cũ khoảng 10-15%. Thấp nhất 1 tháng lương cơ bản, cao nhất có thể 5-6 tháng lương cơ bản, tùy theo mức độ đóng góp của người lao động, ngoài ra công đoàn cũng quan tâm. Mặc dù đơn hàng rất nhiều nhưng cũng cố gắng tạo ngày nghỉ, để người lao động sau 1 năm vất vả có thời gian dài chung vui với gia đình".
Thưởng Tết Nguyên đán tại TP Hồ Chí Minh năm 2025 bình quân khoảng 12,7 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với năm trước. Dù vẫn có khoảng 25% doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn cố gắng có khoản thưởng, chia sẻ với người lao động.
"Chúng tôi đã chắc chắn với công nhân là ngoài tiền thưởng ra thì lương tháng 1 chúng tôi cũng sẽ trả hết vào thời điểm trước Tết cho mọi người. Nên từ giờ đến Tết công nhân chúng tôi chỉ có yên tâm cố gắng làm việc để có thêm thu nhập về Tết", ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty May mặc Song Ngọc, TP Hồ Chí Minh cho hay.
Năm nay, TP Hồ Chí Minh cũng dành gần 1.000 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo Tết với nhiều hoạt động như tặng vé tàu xe, máy bay, tổ chức phiên chợ Tết cho công nhân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương phối hợp với doanh nghiệp, hệ thống phân phối tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, đồng bộ trên toàn quốc, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm hàng Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Bộ Công Thương cũng yêu cầu hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết để tránh gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối, ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá ảo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!