Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ 5 đối tượng về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", liên quan đến vụ việc trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo ý kiến của các thành viên trên thị trường bất động sản, những "bất thường" từ các cuộc đấu giá đất ở Sóc Sơn và một số phiên đấu giá khác gần đây, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá của địa phương, mà còn gây ra tình trạng sốt giá ảo.
285 khách hàng tham gia. 30 người điều hành từ trung tâm quỹ đất và công ty đấu giá. Khoảng 10 tiếng đồng hồ đấu liên tục. Nhưng thời gian, công sức và cả tiền bạc của hàng trăm người bỏ ra cho phiên giá đất tại Sóc Sơn này đã bị ảnh hưởng, do sự "phá rối" của nhóm đối tượng.
36/58 lô đất sẽ phải đấu giá lại. Chưa kể là sự hoang mang, lo ngại của những người muốn tham gia đấu giá ở các phiên tiếp theo. Từ đó, có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của các địa phương.
Công sức và tiền bạc của hàng trăm người bỏ ra cho phiên giá đất đã bị ảnh hưởng, do sự "phá rối" của nhóm đối tượng
Ông Chu Minh Ngọc - Huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội cho biết: "Làm cho tất cả những người đấu giá vừa rồi tham gia đấu giá cũng như người trông chờ rất bức xúc về vấn đề đó. Mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ".
Ông Nguyễn Xuân Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: "Sẽ tiếp tục đấu giá với 36 thửa đất không thành trong tháng 12. Rất mong muốn các khách hàng khác hãy đặt niềm tin vào huyện Sóc Sơn cũng như các cấp chính quyền trong việc tổ chức đấu giá. Chúng tôi cũng phối hợp với công ty đấu giá ban hành nội dung điều chỉnh quy chế đấu giá liên quan đến việc thiết lập lại các nội dung để đảm bảo cho cuộc đấu giá diễn ra trong sạch".
Tại phiên đấu giá ở huyện Sóc Sơn vừa qua, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ thủ đoạn của nhóm đối tượng này. Đó là nhằm khống chế kết quả đấu giá, không để vượt qua mức mong muốn, các đối tượng này đã thỏa thuận với nhau về mức giá.
Cụ thể là, nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng, thì vào vòng 5 sẽ đưa ra một mức cao đột biến. Trong đó có đối tượng đã trả 30 tỷ đồng/m2. Rồi đến vòng 6 sẽ cùng thống nhất bỏ, đồng loạt không trả giá. Mục đích là phá không cho lô đất được trúng đấu giá thành công, phiên đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, để các đối tượng này có thể trúng được các lô đất với mức giá họ mong muốn.
Điều đáng nói là do phiên đấu giá bất thành, theo quy chế, các đối tượng này không hề bị không mất tiền đặt cọc. Theo các chuyên gia, đây là một kịch bản đã được tính toán kỹ, do đối tượng am hiểu rất rõ về quy chế đấu giá tạo ra, lợi dụng kẽ hở để thực hiện hành vi trục lợi.
Tại nhiều phiên đấu giá khác, hành vi trả giá cao kỷ lục nhưng người trúng lại bỏ cọc đang diễn ra phổ biến trong vài tháng trở lại đây.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - TP. Hà Nội tâm sự: "Giá trị thật không đúng với nhu cầu đất ở đây. Chắc chắn mọi người dân không thể mua được, tiếp cận được với nguồn đất ở đây".
Luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự nhận định: "Đấu giá đất sẽ phải tính đến mức đặt cọc của người đấu giá cao hơn. Việc thổi giá đất hiện nay đang trở thành hiện tượng. Thị trường bất động sản các giao dịch trở nên rất khó khăn, cản trở sự phát triển kinh tế".
Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra tại vụ việc ở Sóc Sơn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các đối tượng có ý định trục lợi từ các phiên đấu giá. Nhiều ý kiến cho rằng, các quy chế, quy định về đấu giá cần được sớm rà soát, xem xét lại tổng thể, kỹ lưỡng, để tránh tình trạng tiêu cực như đã xảy ra gần đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!