Cơn bão khủng hoảng càn quét Thái Lan, lan sang nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc. Các ngân hàng lao dốc, doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người dân lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Những ký ức buồn đó không bị phai mờ theo thời gian dù đã 20 năm trôi qua.
Những thời khắc đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính 1997 vẫn in sâu trong tâm trí của Supop Pavanan - một tiểu thương ở Bangkok. Cách đây 20 năm, ông là một trong hàng triệu nạn nhân bị đẩy vào cảnh sống dở chết dở bởi cơn bão khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã cướp đi công việc hướng dẫn viên du lịch với thu nhập cao của Supop, đẩy ông ra đường làm công việc bán bánh rán. Thu nhập giảm từ 3.000 USD/tháng xuống chỉ còn 200 USD nếu may mắn bán chạy. Đó là những ký ức buồn mà Supop và nhiều người dân Thái Lan không thể nào quên.
Năm 1997, quả bom khủng hoảng bắt đầu nổ tại Thái Lan, châm ngòi bởi tình trạng vay mượn không kiểm soát và một hệ thống tài chính tham nhũng, lỏng lẻo. Hệ thống ngân hàng nhanh chóng sụp đổ. Ngày 2/7/1997, Chính phủ Thái Lan buộc phải phá giá đồng Baht nội tệ, đẩy nhiều công ty và cá nhân gần như mất trắng trong 1 đêm.
Chẳng mấy chốc, con hổ kinh tế châu Á rơi vào tình trạng hấp hối. Bangkok lúc đó giống như một chợ trời khổng lồ. Những người Thái Lan giàu có đem bán các hàng hóa xa xỉ của họ với giá không thể rẻ hơn tại các bãi đậu xe. Ô tô, đồ trang sức, rượu, thậm chí cả máy bay cá nhân - tất cả đều bán hết để duy trì cuộc sống.
Chính phủ bất lực trước tình trạng thất nghiệp gia tăng. Thái Lan lúc đó buộc phải nhận cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngày này, những ký ức buồn đó vẫn còn lưu giữ trong các đồ vật tại Bảo tàng Siam ở Bang Kok. Đó có thể là bức tượng Phật, nơi nhiều người đã tới cầu khấn để mong qua khỏi khủng hoảng. Đó có thể là chiếc điện thoại mà nhân viên biết được mình thất nghiệp vì ông chủ đã tự sát.
Ngày nay, ngành tài chính ngân hàng Thái Lan đã khoác bên ngoài một bộ mặt mới, phát triển trên một nền móng vững chắc. Cuộc khủng hoảng năm 1997 đã để lại nhiều bài học xương máu.
Tư duy của người Thái giờ cũng khác. 20 năm trước, cuộc khủng hoảng đã khiến một nhà kinh doanh chứng khoán thành công như ông Sirivat lâm vào con đường phá sản và phải bán bánh mì kẹp thịt để kiếm sống. Ngày nay, 68 tuổi, ông Sirivat vẫn tiếp tục công việc của mình.
Cơ hội có thể chưa đến với ông Sirivat dù cuộc khủng hoảng đã đi qua được 20 năm. Giấc mơ xây dựng công ty kinh doanh thực phẩm vẫn chưa thực hiện được. Nhưng khủng hoảng năm đó đã không thể đánh gục được ý chí của những người Thái Lan muốn vượt lên khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!