Nhà máy thép Hellenic Halyvourgia từng sản xuất hàng triệu tấn thép mỗi năm trước khủng hoảng, bây giờ chỉ hoạt động cầm chừng. Không ai có thể hình dung tình hình lại xấu đi nhanh chóng như vậy. Ngành xây dựng đình đốn, 70 dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ bị hoãn lại do các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới.
Ông Dimitris Kolaitis, nhà máy thép Hellenic Halyvourgia, cho biết: “Điều duy nhất chúng tôi hy vọng bây giờ là gói cứu trợ tiếp theo sẽ sớm được giải ngân. Nếu điều này không sớm diễn ra, tình hình kinh tế của Hy Lạp hoàn toàn vô vọng”.
Anh Alekos Kitsos, công nhân nhà máy thép Hellenic Halyvourgia, nói: “Chúng tôi từng có 3000 nhân công, giờ chỉ còn lại có 300. Chúng tôi rất lo lắng cho công việc của mình. Không ai biết ngày mai sẽ như thế nào”.
Thị trường trong nước thu hẹp, việc xuất khẩu ra nước ngoài cũng là bất khả thi bởi giá nhiên liệu quá cao khiến thép Hy Lạp mất khả năng cạnh tranh trong bối cảnh giá thép trên thị trường thế giới đang ở mức thấp.
Ông Nikos Vetras, chuyên gia kinh tế Đại học Athens, nói: “Sự tồn tại của các doanh nghiệp giờ hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường năng lượng, vào việc giá nhiên liệu có giảm xuống hay không”.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại, ngành thép và các ngành công nghiệp nặng khác tại Hy Lạp sẽ sụp đổ nếu các biện pháp cần thiết không được đưa ra. Những lao động như anh Alekos chỉ còn biết chờ đợi và cầu mong rằng công việc của họ sẽ không tan thành mây khói.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.