Ảnh minh họa.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ngày 20/9 thông báo giảm 1% lãi suất vay VNĐ và 0,5% lãi suất vay USD đối với khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.
Chương trình áp dụng từ nay đến 31/12/2024 với quy mô gói tín dụng là 1.000 tỷ đồng. Đối tượng áp dụng là khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của MSB bị thiệt hại bởi bão cơn bão số 3 và khách hàng mới có nhu cầu vay vốn nhằm tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.
Theo MSB, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi của chương trình đối với khách hàng được quy định như sau: từ thời điểm áp dụng tới hết thời hạn khoản vay đối với khoản vay ngắn hạn và tối đa 12 tháng kể từ thời điểm áp dụng đối với khoản vay trung và dài hạn.
Cũng trong tuần qua, MSB đã giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thông báo sẽ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả trong thời gian từ tháng 9-12/2024 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất tùy theo mức độ, SHB có thể hỗ trợ 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, SHB cũng cung cấp gói tín dụng lãi suất chỉ 4,5%/năm với khoản vay mới cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị tác động, giúp ổn định đời sống và hồi phục sản xuất sau thiên tai.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), từ nay đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay cũng được giảm đến 2%/năm đối với dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới. Đồng thời, ngân hàng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn.
Không chỉ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng công bố tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đến hết ngày 31/12/2024.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các ưu đãi, đặc biệt là giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)... Mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,5-2%/năm tùy đối tượng vay vốn và chính sách riêng của mỗi ngân hàng.
Cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước theo số liệu sơ bộ đến ngày 17/09/2024 từ các tổ chức tín dụng và 26 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa bàn bị ảnh hưởng cho thấy có khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. Còn theo thống kê sơ bộ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng với số dư nợ khoảng 191.457 tỷ đồng.
Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!