Không để thiếu nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện

VTV Digital-Thứ hai, ngày 06/01/2025 14:11 GMT+7

VTV.vn - Theo kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2025, các nhà máy nhiệt điện than sẽ được huy động ở mức cao trong mọi kịch bản tăng trưởng phụ tải.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 01 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Thời gian tới, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra cao hơn rất nhiều với mức tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 phấn đấu đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu ở mức hai con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16% (tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 - 10.000 MW).

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, đảm bảo tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đối số, phát triển công nghệ cao - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với yêu cầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành, Địa phương và các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tập trung vào các nhiệm vụ như: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện; Khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện; Tập trung tối đa nguồn lực để gấp rút tổ chức thi công Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; Nâng cao năng lực, năng suất và sản lượng khai thác than trong nước; Tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời mái nhà và cuối cùng là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu đối với các nhà máy nhiệt điện.

Không để thiếu nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện - Ảnh 1.

Hiện, Việt Nam đang có 33 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, đóng góp gần một nửa nguồn cung điện cho đất nước

Hiện, Việt Nam đang có 33 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, đóng góp gần một nửa nguồn cung điện cho đất nước. Theo kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2025, các nhà máy nhiệt điện than sẽ được huy động ở mức cao trong mọi kịch bản tăng trưởng phụ tải. Để đáp ứng yêu cầu đề ra, việc chuẩn bị đủ nguồn cung than cho sản xuất điện đã được đưa ra. Và cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều khẳng định không thiếu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than.

Năm vừa qua, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 đã đảm bảo sản xuất đủ điện để phục vụ cho sản xuất. Không những thế, doanh nghiệp còn triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm tối đa lượng than, phục vụ sản xuất điện.

Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 hiện đang vận hành hai tổ máy với tổng công suất 1.080 MW. Và tính đến hết năm 2024, nhà máy đã tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn than để sản xuất ra khoảng 6,3 tỷ kWh điện, tức là trung bình là 476 gr than sẽ sản xuất ra 1 số điện.

Gọi là tiết kiệm bởi trước kia trung bình để sản xuất 1 số điện thì sản lượng than cần sử dụng là từ 485-500 gr. Nhưng với các giải pháp đang được doanh nghiệp áp dụng đã góp phần tiết kiệm lượng than tiêu thụ cũng như giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Trần Đăng Toàn - Phó Giám đốc Công ty nhiệt điện Mông Dương cho biết: “Công ty đã áp dụng rất nhiều giải pháp, kể cả giải pháp lắp đặt biến tần, giải pháp dừng bật mức tuần hoàn khi nhiệt độ làm mát thấp và điều chỉnh lò hơi, chế độ chạy khói gió tối ưu làm sao tăng cao hiệu suất của lò hơi. Các giải pháp đó cũng mang lại hiệu quả tích cực như hiệu suất cũng tăng thêm, xuất hao than của tổ máy đã giảm nhiều”.

Theo kế hoạch phân giao của Bộ Công thương, ngay từ cuối năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất than đã chủ động nguồn cung từ hoạt động sản xuất, khai thác than trong nước cũng như nhập khẩu. Ngay cả khi nhu cầu than trong các tháng mùa khô năm nay được dự báo sẽ tăng gấp đôi so với các tháng đầu năm, nguồn cung cũng sẽ được doanh nghiệp đảm bảo.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban kinh doanh Than, Tập đoàn Công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam chia sẻ: “Trên cơ sở biểu đồ cung cấp Than của Bộ Công thương năm 2025, TKV đã chủ động lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu và trong tháng 12/2024, TKV đã hoàn thành ký hợp đồng đối với các nhà máy điện BOT, các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tổng số lượng là 42,8 triệu tấn, TKV cam kết sẽ cung cấp đủ than cho các nhà máy điện theo hợp đồng đã ký”.

Năm 2025 được xác định là năm tăng trưởng kinh tế của đất nước với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Đã có ba kịch bản cung ứng điện được đề ra, dự báo sản lượng than cho các nhà máy nhiệt điện vận hành sẽ cần khoảng 60 triệu tấn. Do vậy, để đảm bảo đủ nguồn cung than cho sản xuất điện trong năm nay, nhiều giải pháp đã được triển khai.

Ông Trịnh Đức Duy - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu Khí và Than, Bộ Công Thương nhận định: “Đối với Ttan cho sản xuất điện, Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị khai thác tối đa than trong nước và nhập khẩu than hợp lý theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tuân thủ các quy định của pháp luật, sản xuất trong nước năm 2025 sẽ là trên 42 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, vận chuyển than, dự trữ than đáp ứng yêu cầu và tính đến yếu tố dự phòng cho các yếu tố cực đoan”.

Năm 2025, dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, ước khoảng trên 300 tỷ kWh điện, trong đó tỷ lệ huy động từ nhiệt điện than chiếm gần 50%. Do vậy, việc đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện là yêu cầu trách nhiệm được đặt ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước