Chiều 5/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhiều câu hỏi về vấn đề bình ổn giá, nguồn cung mặt hàng thịt lợn, việc nhập khẩu thịt lợn trong bối cảnh tái đàn lợn còn khó khăn đã được báo chí nêu lên.
Dich tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn lợn cả nước giảm mạnh, nhiều địa phương chưa công bố hết dịch, trong khi đó giá lợn giống tăng cao tới hơn 2 triệu đồng/con khiến người dân chưa yên tâm tái đàn. Cả nước hiện có gần 20 doanh nghiệp chăn nuôi, chiếm 35% thị phần.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hiện nay, việc quản lý giá trong đó có mặt hàng thịt lợn theo cơ chế thị trường và cơ chế cung - cầu. Thời gian qua, báo chí đã phản ánh nhiều nơi giá thịt lợn lên cao. Trước hết, ở tầm vĩ mô, điều này ảnh hưởng đến CPI, thậm chí ảnh hưởng đến cân đối nền kinh tế, khiến đời sống người dân gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Việc sử dụng thịt lợn là thói quen tiêu dùng của người dân; vừa qua mặc dù giá gia cầm rất rẻ nhưng do thói quen tiêu dùng nên thịt lợn tăng dẫn đến nguồn cung thiếu. Về lý do khách quan, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tổng đàn trên toàn quốc.
Liên quan đến việc nhập khẩu thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, người tiêu dùng Việt Nam không có thói quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó doanh nghiệp còn dè dặt nhập về. Vấn đề bình ổn giá cả thịt lợn, ngoài giải pháp về vĩ mô còn có yếu tố thị trường, tuy nhiên, do thói quen sử dụng thịt lợn của người dân nên rất khó điều hành thị trường. "Đây là khó khăn cản trở trực tiếp đến việc nhập khẩu hiện tại", ông Trần Quốc Phương nói.
Hai Bộ cho rằng giải pháp cần làm ngay là tập trung tái đàn. Kỳ vọng đến cuối năm nay, giá thịt lợn có thể bình ổn. Điều hành họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát. Thủ tướng chỉ đạo nới lỏng các biện pháp kiểm soát để phát triển kinh tế. Chính phủ quyết tâm khôi phục nền kinh tế nhanh nhất với các giải pháp cấp bách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!