Năm nay, gia đình ông Đỗ Văn Hẩn (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã giảm diện tích trồng bắp khoảng 1/3. Giá bắp giảm, trừ chi phí, tiền lời thu được chỉ lấy công làm lãi.
"2 - 3 năm nay, giá bắp không cao cho nên nông dân không có mặn mà trồng cây bắp, chỉ có một số người đất trồng bắp được là trồng còn đổi được cây trồng khác là người ta chuyển qua người ta trồng", ông Đỗ Văn Hẩn, cho biết.
Cách đây 3 năm, công ty Ecofarm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương và nông dân khi liên kết với từng hộ để sản xuất bắp. Khi đó, chỉ tính riêng diện tích trồng bắp cho công ty đã lên tới hơn 350 ha. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 20 ha.
"Sản lượng bắp nhập lấn át toàn bộ với một cái giá rất rẻ, nên nó ảnh hưởng lớn đến bắp trồng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc biệt, vụ hạn hán trong đầu năm vừa rồi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng của bắp", ông Nguyễn Hồng Quang, đại diện công ty Ecofarm, cho biết.
Diện tích trồng bắp thu hẹp lại, nhà máy sấy bắp mà Công ty Ecofarm đã đầu tư gần 8 tỷ đồng với công nghệ của Thụy Sỹ được coi là chơi sang trước đây giờ trở nên đìu hiu.
Giá bắp trên thị trường giảm, trong khi đó chi phí sản xuất như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nhân công lao động lại cao do sản xuất manh mún. Đây là bài toán mà DN dù có cố gắng cũng không giải quyết được.
Nhiều nông dân đã chia tay với cây bắp để quay trở lại với cây lúa. Chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đất chuyển đổi từ trồng lúa sang hoa màu đã không đủ hấp dẫn để nông dân mặn mà với cây bắp, ngay cả khi có DN đứng sau hỗ trợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!