Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam nhiều nhất. Tính riêng ở mặt hàng trái cây, hiện nay, hơn 4/5 tổng lượng trái cây xuất khẩu của cả nước là xuất sang Trung Quốc. Kim ngạch lên tới hơn 2,5 tỷ USD.
Thay đổi từ các chính sách siết chặt nhập khẩu nông sản, tập trung cho nhập khẩu chính ngạch đến các chiến lược tăng cường sản xuất trong nước thực sự là một thách thức mà nông sản Việt Nam cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng.
Ngoài ra, từ 1/1/2019, Trung Quốc chính thức áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây được xem là một trong những rào cản khiến cho nông sản Việt sẽ cạnh tranh ngày càng khó khăn. Kể cả việc bán quanh quẩn ở các tỉnh giáp biên, giá trị thấp.
Không chỉ riêng trái cây, Trung Quốc hiện nay cũng đang tăng cường tự sản xuất trong nước đối với nhiều mặt hàng khác. Ví như cá tra, một sản phẩm tưởng như là thế mạnh độc tôn của Việt Nam thì bây giờ, ở Trung Quốc, phong trào nuôi cá tra cũng đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều tỉnh thành. Thậm chí, giá cá tra sản xuất tại Trung Quốc, còn thấp hơn cả cá tra nhập khẩu của Việt Nam.
Mặc dù nông sản Việt đang có mặt ở hơn 180 quốc gia nhưng Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường khổng lồ nhất. Với mặt hàng trái cây, năm 2018, Trung Quốc chiếm 81%. Trong khi đó, thị trường Mỹ, mặc dù xếp thứ 2, cũng chỉ chiếm gần 4%. Chính vì thế, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải thay đổi cách tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đề xuất chuyển đổi khoảng 500.000 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Thông tin được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong một Hội nghị mới đây.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sẽ chỉ hiệu quả nếu có chiến lược rõ ràng bởi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Ngành nông nghiệp, các địa phương và người nông dân cần theo dõi chặt chẽ những thay đổi của thị trường để chuẩn bị tâm thế và hướng đi cụ thể. Có như vậy, hiệu quả kinh tế mới cao hơn và việc sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!