Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có những khuyến nghị về hậu quả khôn lường nếu Anh ra khỏi châu Âu.
Đến lúc này chỉ còn 1 tháng nữa, nhưng nhìn tỷ lệ như vậy thì thấy cơ hội vẫn đang chia khá đều cho cả 2 phe. Và chỉ riêng tỷ lệ không chắc chắn này cũng đang khiến nền kinh tế thiệt hại không hề nhỏ.
Tờ City buổi sáng đã hỏi ý kiến khoảng gần 700 doanh nghiệp từ khắp nơi đang đầu tư vào Anh, kết quả gần 80% các doanh nghiệp này thống nhất, Anh rời châu Âu thì các lợi thế trong thu hút đầu tư của nước này cũng không còn nhiều và chắc chắn các doanh nghiệp sẽ cắt bớt đầu tư vào đây.
Đã rõ tâm lý của các doanh nghiệp nước ngoài, vậy nên khi chưa có gì chắc chắn người Anh chọn ở lại châu Âu, ngay từ quý I năm nay, chuyện rút bớt vốn đầu tư vào Anh đã bắt đầu diễn ra. Theo Reuters, vốn đầu tư quý I đã giảm 0,4% so với cùng kỳ 2015. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong hơn 3 năm qua.
Business insider bình luận, chuyện nhà đầu tư nước ngoài cắt vốn có thể đoán trước, nhưng thực tế mức độ rút nhanh và nghiêm trọng hơn dự đoán nhiều lần. Đầu tư giảm, song song với tăng trưởng kinh tế cũng chậm lại. GDP quý I của Anh chỉ tăng 0,4%.
Theo Dailymail, những tuần gần đây có khá nhiều ý kiến đầy sức nặng, đề cập đến các tác động kinh tế của chuyện ra khỏi châu Âu. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Anh cắt giảm dự báo tăng trưởng cho cả năm vì Brexit. Thống đốc còn bi quan hơn, ông Carney nói, Anh ra khỏi châu Âu sẽ kéo theo hệ quả là một đợt suy thoái ngắn về kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có những khuyến nghị về hậu quả khôn lường nếu Anh ra khỏi châu Âu. Các ý kiến này cho người Anh thêm cơ sở để quyết định. Nhưng vấn đề là với những người bảo thủ, chọn rời khỏi châu Âu, kinh tế không phải thứ duy nhất họ quan tâm và chừng đó cảnh báo kinh tế chưa đủ để họ thay đổi quan điểm.
Theo Dailymail, kết quả là, tác động tới lá phiếu người dân thì chưa thấy đâu, nhưng doanh nghiệp nước ngoài thì đã có đủ hình dung họ cần, về những rủi ro phải chịu nếu đầu tư nhiều vào Anh.
Reuters phân tích, các số liệu kinh tế của quý I chỉ là tác động ban đầu. Kết quả của quý II sẽ nghiêm trọng hơn nữa, vì là càng gần đến thời điểm trưng cầu.
Theo Guardian, mấu chốt kết quả đang nằm ở những người chưa quyết định bỏ phiếu bên nào (13%). Các cuộc bỏ phiếu ở Anh, tỷ lệ tham gia của những người trên 65 tuổi là 80%; còn ở tầm tuổi sinh viên đại học, là chưa đến 50%. Những người trẻ tuổi hơn, những người được cho là có quan điểm ủng hộ châu Âu nhiều hơn đang chưa thực sự quan tâm đúng mức đến cuộc bỏ phiếu, mà nhiều ý kiến cho rằng có tính lịch sử với cả Anh và châu Âu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!