Khó khăn triển khai Bảo hiểm nông nghiệp

Đình Hải-Thứ sáu, ngày 10/05/2013 09:46 GMT+7

Ảnh minh họa

 Cả nước hiện chỉ có 234.000 hộ dân tham gia Bảo hiểm nông nghiệp cho các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng hàng chục triệu hộ nông dân hiện nay có nhu cầu bảo hiểm.

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp, toàn tỉnh Trà Vinh mới chỉ có hơn 110 hộ dân đăng ký tham gia. Ngoài số hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, số hộ nuôi cá tra và tôm thẻ chân trắng ở tỉnh này tự nguyện mua bảo hiểm chỉ đếm trên đầu ngón tay và phần lớn mới chỉ mang tính thăm dò. Lý giải nguyên nhân này, đại diện Sở Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cho rằng, giá cá tra xuất khẩu hiện ở mức thấp nên người dân chưa tính đến chuyện mua bảo hiểm.

Bà Lê Tuyết Hồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Giá nguyên liệu đầu vào tăng, người dân không có chi phí sản xuất nên việc triển khai bảo hiểm ít được các hộ tham gia”.

Qua hơn một năm thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp, mô hình này đã triển khai đến tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước với giá trị bảo hiểm lên đến hơn 5.400 tỷ đồng, trong số này có đến 80% thuộc diện hộ dân nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm.

Tuy nhiên, do tập quán sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các hộ dân chưa theo quy trình kỹ thuật nên khi tình trạng dịch bệnh xảy ra việc xem xét đánh giá mức độ bồi thường thiệt hại thường kéo dài, số tiền yêu cầu bảo hiểm lớn cấp nhiều lần giá trị thực tế.

Chỉ tính riêng bảo hiểm nuôi trồng thủy sản tại 5 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau, năm 2012, Bảo hiểm nông nghiệp đã bồi thường hơn 458 tỷ đồng, chưa kể tình trạng một số nơi đã xuất hiện dấu hiệu trục lợi. Điều này đang gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và cả doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính nói: “Chúng tôi đã triển khai đội ngũ giám định, kiểm soát rủi ro trước khi nhận bảo hiểm, lập hệ thống đánh giá thiệt hại chặt chẽ. Cán bộ bảo hiểm kết hợp Bộ NN&PTNT tiến hành kịp thời việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân, đồng thời tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm”.

Để mô hình Bảo hiểm nông nghiệp thành công, ngoài cơ chế hỗ trợ phí bảo hiểm cho người sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần xem xét cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp trong trường hợp xảy ra tổn thất lớn do thiên tai, dịch bệnh… những yếu tố mà sản xuất nông nghiệp Việt Nam luôn phải đối mặt.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước