Những ngày qua, giá nho tươi Ninh Thuận tăng mạnh bởi lượng cung ứng ra thị trường sụt giảm rõ rệt. Nhiều nông dân vốn trước đây không mặn mà với cây nho, phá bỏ hàng loạt, giờ lại tiếc nuối khi lúc này không còn nho để bán, cũng đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội tăng thu nhập. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng nho tươi Ninh Thuận hút hàng trên thị trường, do cung không đủ cầu.
Mặc dù là cây trồng đặc hữu có nhiều lợi thế trên vùng đất Ninh Thuận, nhưng câu chuyện trồng rồi phá bỏ thường xảy ra đối với cây nho. Giữ ổn định vùng nho Ninh Thuận là một câu chuyện luôn gặp nhiều trắc trở.
Nho là cây trồng khá mẫn cảm với thời tiết. Nông dân Ninh Thuận biết điều đó nhưng điều mà ngay cả những người trồng nho lâu năm cũng không thể lường hết, đó là càng về sau, thời tiết trên vùng Ninh Thuận ngày càng bất thường hơn. Từ cuối năm 2016 đến nay, mưa liên tục khiến hàng loạt vườn nho ra trái bị thán thư, thậm chí nhiều vườn bị úng gốc, không thể duy trì canh tác. Tần suất vườn nho gặp sự cố dày hơn khiến nhiều nông dân cạn vốn.
Ngay cả những nông dân gắn bó với cây nho cũng phải từ bỏ trồng nho, chuyển sang các cây trồng khác ít rủi ro hơn. Thực tế trong những năm qua, diện tích nho Ninh Thuận sụt giảm, giờ chỉ còn khoảng 1.200 ha, tương ứng sản lượng nho tươi 30.000 tấn mỗi năm, vẫn chưa đủ so với nhu cầu thị trường.
Ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã có những điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất cây nho phù hợp với thực tế đất đai và từng vùng sản xuất. Quy hoạch đã có nhưng có chọn trồng cây nho hay không lại do chính nông dân quyết định.
Ở Ninh Thuận, lâu nay, cây nho chỉ chiếm 3% diện tích canh tác nhưng lại chiếm đến 20% tổng giá trị ngành trồng trọt. Giá trị của cây trồng đặc hữu này đã được khẳng định khi nho Ninh Thuận được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cách đây 5 năm nhưng sẽ không khai thác những lợi thế này nếu không ổn định được vùng trồng nho Ninh Thuận ngay từ lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!