Khi Trung Quốc "khát" tiền mặt: Làm gì để cân bằng nền kinh tế?

TTXVN-Thứ tư, ngày 22/07/2020 12:07 GMT+7

Một góc thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Xinhua

VTV.vn - Trung Quốc đang vật lộn để cân bằng nền kinh tế của họ giữa đại dịch. Vấn đề thiếu tiền mặt đang hiện rõ và cản trở nước này đạt được các mục tiêu tham vọng.

Trung Quốc đang đối mặt với các hạn chế kinh tế nghiêm trọng. Đại dịch COVID-19 và sự cô lập với thế giới càng làm gia tăng các vấn đề tài chính của nước này. Từ nguồn thu thuế giảm đến cuộc chiến thương mại với Mỹ, tất cả đã cản trở giấc mơ mở rộng kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc đã có bước nhảy vọt trong việc đưa ra các khoản vay và đầu tư vào các siêu dự án, nhưng hiện nay họ đang chứng kiến bước lùi lớn khi thế giới đang vật lộn với đại dịch.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thâm hụt ngân sách của Trung Quốc đang tăng lên. IMF cũng cảnh báo rằng nợ công và tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc sẽ gia tăng đến năm 2024. Vítor Gaspar, Giám đốc Bộ phận các vấn đề Tài chính của IMF, ngày 10/7 đã cảnh báo thế giới về nợ công toàn cầu. Ông nói rằng nợ công sẽ vượt mức 100% GDP vào năm 2020-2021. Khi được hỏi cụ thể về trường hợp Trung Quốc, ông nói: "Giống như ở nhiều quốc gia khác, nợ của chính phủ Trung Quốc đã gia tăng trong cuộc khủng hoảng và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải điều chỉnh chính sách tài chính trong trung hạn một khi cuộc khủng hoảng đi qua".

Khi Trung Quốc khát tiền mặt: Làm gì để cân bằng nền kinh tế? - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc và thử nghiệm giới hạn của họ. Các biện pháp thuế của Mỹ đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái giảm 25%. Trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc đã giảm 35 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ do bị áp thuế. Kết quả là rất nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã thay đổi chuỗi cung ứng của họ với việc quay lưng lại với Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ tại các nước châu Á khác để né tránh thuế suất cao.

COVID-19 cũng gây ra một đòn giáng với nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng GDP của họ được dự đoán sẽ chỉ ở mức 1,8% trong năm 2020. Nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc trên thế giới đang thu hẹp cũng như số lượng các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã quyết định chịu đựng tổn thất kinh tế và tiến hành phong tỏa trong những ngày đầu khi COVID-19 lan rộng ra toàn cầu.

Nhìn chung, Trung Quốc đang rơi vào tình huống nguy hiểm khi họ phải hứng chịu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ của thế giới. Quan điểm cho rằng Trung Quốc cố tình làm lây lan virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) khiến hình ảnh của họ với thế giới trở nên xấu đi, điều có thể gây tổn hại tới triển vọng quan hệ của Bắc Kinh với các nước khác trên thế giới. Hiện nhiều quốc gia đã rút các công ty khỏi Trung Quốc và được đón chào tại các quốc gia châu Á khác. Trung Quốc đang bị ngăn cấm trong nhiều lĩnh vực khác - từ việc bị áp thuế cao đến việc các ứng dụng của Trung Quốc bị cấm cửa tại nước khác.

Khi Trung Quốc khát tiền mặt: Làm gì để cân bằng nền kinh tế? - Ảnh 2.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc.

Tốc độ và quy mô của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc sẽ bị cản trở bởi sự trì trệ kinh tế hiện nay. Trung Quốc không thể đáp ứng các công việc khắt khe này và do đó đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của tư nhân và tập thể.

Hiện tại, 138 quốc gia đang tham gia BRI, bao trùm 60% dân số thế giới. Sáng kiến này đang được mở rộng tới châu Âu, Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, và hiện đóng góp cho 1/3 sản lượng kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 1/3 trong số các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong BRI đang đối mặt với nguy cơ mắc nợ.

Báo cáo của WB cũng cho biết, 2/3 trong số các nền kinh tế thị trường đang nổi trong BRI sẽ đối mặt với nguy cơ mắc nợ cao khi các khoản nợ vượt ngưỡng 50% GDP hoặc có tổng nhu cầu tài chính vượt quá 15% GDP bởi phần lớn các nước tiếp nhận các khoản vay trong BRI không có điều kiện kinh tế tốt để hoàn trả, hiện có nhiều khả năng họ sẽ vi phạm thỏa thuận hoặc Trung Quốc sẽ tịch thu các khoản thế chấp. Dù trong trường hợp nào đi nữa, việc chuyển tiền sẽ không diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, khiến Trung Quốc bị thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn. Đại dịch COVID-19, vốn gây tổn hại hơn nữa cho một số quốc gia, đòi hỏi Trung Quốc phải giãn nợ. Nếu tính tới kịch bản này, BRI đang dần trở thành một yếu tố kích động cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc.

Sự thiếu hụt tiền mặt của Trung Quốc có thể khiến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi và những người thuộc tầng lớp nghèo nhất ở các quốc gia sẽ phải hứng chịu tổn thất lớn nhất. Thất nghiệp và khủng hoảng lương thực sẽ lan tràn và kết quả là các nước đang phát triển và chậm phát triển sẽ đối mặt với tình trạng bất ổn. Tác động của việc này cũng được cảm nhận qua chỉ số Phát triển con người (HDI) ngày càng kém đi tại các nền kinh tế đang nổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước