Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành vùng Đông và Tây Nam Bộ đã phải giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như "ngồi trên đống lửa" khi lo ngại quá trình vận chuyển hàng hoá sẽ gặp khó, không đảm bảo thời gian giao hàng.
Với khoảng 150 container xuất đi mỗi tháng, một doanh nghiệp cho biết, kể cả trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16, doanh nghiệp này vẫn đang căng mình để làm kịp đơn hàng. Tuy nhiên, nghiệp cho biết hiện gặp không ít trở ngại trong lưu thông hàng hóa, khi các địa phương kiểm soát giấy xét nghiệm COVID-19 của lái xe. Điều đáng nói, mỗi địa phương có những quy định khác nhau khiến doanh nghiệp gặp khó.
Mỗi địa phương có những quy định khác nhau về giấy xét nghiệm COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp khó (Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)
"Tàu nước ngoài không thể chờ chúng tôi được, chúng tôi đặt chỗ hàng rồi nhưng không ra kịp, dẫn đến hàng nằm lại. Đoàn tàu đấy bị huỷ và chúng tôi bị phạt. Khách hàng không chấp nhận hàng muộn vì phải 1 tuần hoặc 1 tháng sau mới đi được. Chưa kể những đơn vị vận tải chở vật tư hàng hoá phục vụ sản xuất bị dừng lại dẫn đến hoạt động của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Nam Thái Sơn cho biết.
Ngoài ra, giá xét nghiệm COVID-19 mỗi nơi mỗi khác, dao động từ 300.000 - 700.000 đồng/lần cũng khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Theo Tổng Giám đốc Công ty T&T Vina Nguyễn Đình Tùng, cứ 3 ngày thì tài xế phải đến bệnh viện xét nghiệm luân phiên để vận chuyển hàng hoá.
Giá xét nghiệm COVID-19 mỗi nơi mỗi khác, dao động từ 300.000 - 700.000 đồng/lần (Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay để thực hiện mục tiêu xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cảng biển đang thay đổi cách thức làm việc, thuận tiện hơn cho khách hàng. Thay vì phải đến nơi làm thủ tục và mất cả ngày dài, thì giờ nhiều khâu đã được cắt giảm. Tuy nhiên, vấn đề vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp vẫn tương đối khó khăn.
"Ngay từ việc lái xe đi từ địa phương này đến các địa phương khác, phải yêu cầu giấy xét nghiệm, giấy xét nghiệp phải là PCR. Biện pháp trước mắt là tạo cơ chế luồng xanh, hỗ trợ tạo luồng đặc biệt để doanh nghiệp lưu thông hàng hoá", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp để lưu thông hàng hoá được thông suốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!