Ngày 15/8 là hạn cuối để các bộ, ngành trình dự thảo các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa những điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của Chính phủ. Theo đó, 2690 điều kiện kinh doanh sẽ phải cắt giảm.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục dẫn đầu về cải cách kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Kế đến, Bộ Xây dựng đã cắt giảm 80% điều kiện kinh doanh. Các dự thảo Nghị định về cắt giảm theo yêu cầu của Thủ tướng cũng lần lượt ra mắt vào phút cuối như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải. Bộ trì trệ nhất trong cắt giảm là Bộ Thông tin truyền thông, đến nay, cũng đã có phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Động thái cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh đang được cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng bởi lẽ doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp của các điều kiện kinh doanh.
Theo tờ Đầu tư, dù phần lớn các bộ, ngành đã đưa ra phương án cắt giảm, nhưng vẫn có sự không giống nhau về góc nhìn, quan điểm ở cùng một vấn đề. Có bộ đồng ý bỏ can thiệp vào phương án kinh doanh của doanh nghiệp, có bộ không. Vì lẽ này, doanh nghiệp đang chờ đợi những điều kiện kinh doanh có tính chất tương tự đã được xem xét, bãi bỏ ở ngành nghề kinh doanh này thì cũng cần được kiến nghị bãi bỏ ở ngành, nghề kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng rằng những phương thức thay thế điều kiện kinh doanh thành hình thức quản lý khác cần tránh trở thành "biến tướng" của điều kiện kinh doanh. Nỗi lo này của doanh nghiệp là có cơ sở vì có thể về mặt hình thức là bỏ nhưng thực chất, doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các quy định như một dạng điều kiện.
Thực tế, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ hơn 2 năm qua. Việc Chính phủ buộc các bộ, ngành, địa phương không thể chần chừ trong thực thi cam kết giảm khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp đã thể hiện rõ quyết tâm này.