Kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp có chuyển biến mạnh

Diệu Trang - Nguyễn Trang-Thứ tư, ngày 06/08/2014 16:01 GMT+7

Theo báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kết quả cổ phần hóa trong mấy tháng đầu năm được đánh giá là khả quan và có chuyển biến mạnh. Sau đây là ghi nhận của nhóm phóng viên VTV.

Sáng 6/8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 7 tháng đầu năm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tham dự và chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, tính đến hết ngày 31/7/2014, đã sắp xếp được 76 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 55 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập được 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng chủ trì hồi tháng 2 vừa qua, một con số khiến dư luận đặc biệt chú ý là số doanh nghiệp Nhà nước còn lại cần được cổ phần hóa trong hai năm 2014 - 2015 là 432 doanh nghiệp. Như vậy, bình quân cứ mỗi tháng phải cổ phần hóa được 18 doanh nghiệp nhà nước - một nhiệm vụ vào thời điểm đó được dư luận cho là “bất khả thi”.

Tuy nhiên, theo báo cáo tại Hội nghị, 5 tháng qua tình hình đã chuyển biến rất mạnh. Trong số 55 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 32 doanh nghiệp đã tiến hành bán cổ phần lần đầu thông qua hai sàn giao dịch chứng khoán. Và với tình hình này, theo đánh giá của Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, năm 2014 có thể cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp và đến năm 2015 sẽ đạt mục tiêu đặt ra.

7 tháng đầu năm 2014, hoạt động thoái vốn đã đạt được 2.975 tỷ VND. Số tiền này gấp 3 lần so với cả năm 2013 nhưng so với số vốn cần thoái thì tiến độ vẫn chậm, tổng số tiền thu còn thấp. Thủ tướng chỉ đạo cần phải thoái vốn một cách vững chắc, không được tùy tiện.

Bên cạnh các đơn vị được đề nghị tuyên dương vì kết quả sắp xếp cổ phần hóa tốt như Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Dệt may VN, Tổng Công ty Hàng hải VN, một số bộ ngành, địa phương cũng bị nhắc nhở vì chậm tiến độ như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Công thương, tỉnh Bình Định, Nghệ An, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất. Theo Ban Đổi mới Doanh nghiệp, hiện vẫn còn 84 doanh nghiệp thậm chí còn chưa thành lập Ban chỉ đạo Cổ phần hóa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước