Ngày 1/10, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã mạnh mẽ cảnh báo, Italy cần tuân thủ các quy định của nhóm này về chi tiêu công, sau khi Rome, bất chấp thách thức của EU, tuyên bố sẽ tăng chi tiêu ngân sách. Trong bối cảnh nợ công của Italy vẫn ở mức cao, đứng thứ 2 Eurozone, kế hoạch nới lỏng chính sách "thắt lưng, buộc bụng" có thể châm ngòi cho những lệnh trừng phạt kinh tế không mong muốn từ phía EU.
7 năm sau cuộc đại suy thoái khiến nền kinh tế chao đảo, chính quyền dân túy mới của đất nước hình chiếc ủng đã có những tuyên bố khiến các chính trị gia phải ngỡ ngàng:
- Nâng mức chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên 2,4% trong 3 năm tới, gấp 3 lần so với chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm;
- Thay đổi hệ thống lương hưu, thực hiện một mức thu nhập tối thiểu mới cho người dân;
- Giảm các loại thuế, cũng như ngừng việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Những biện pháp này được cho có thể bổ sung cho GDP của Italy từ 4,5 - 7%. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo EU lại cho rằng đây thực sự là thảm họa, đi ngược lại những nền tảng đã được hình thành từ trước ở Italy, giữa lúc nước này còn đang phải vẫn vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 32% - mức kỷ lục.
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, bất kể những gì xảy ra với nền kinh tế Italy có thể tạo ra tình thế khó khăn cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), vốn đang áp dụng chương trình mua trái phiếu để xử lý "núi" nợ công khổng lồ lên tới 131% GDP của nước này. Và nếu Italy còn tiếp tục nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng, thì mức thâm hụt ngân sách sẽ chưa dừng lại, đồng nghĩa mức phí mà các thị trường đòi hỏi để nước này vay sẽ tăng cao đáng kể.
Hệ quả, ECB có thể phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, dẫn đến nguy cơ Italy bị vỡ nợ và gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho Eurozone.
Đây được xem là thách thức chính trị lớn nhất sau việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU 2 năm trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!