Nếu tháng 1/2018 được coi là vô cùng ngọt ngào với các ông lớn IPO khi cả Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil và PV Power đều cán đích, đem về khoảng 16.000 tỷ đồng cho Nhà nước thì tháng 2 dường như đang là thời điểm xấu để IPO khi cả Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng công ty Phát điện 3 đều "ế".
Kỳ vọng mang về 6.000 tỷ đồng từ 457 triệu cổ phần IPO với giá khởi điểm 13.000đ/cp, cuối cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ra về chỉ với hơn 1.000 tỷ đồng. Theo giới phân tích, việc đặt tiêu chí trở thành cổ đông chiến lược phải là nhà đầu tư trong nước vô hình chung đã chặn đứng một nguồn lực có khả năng hấp thu số cổ phần này.
Không giới hạn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, những tưởng bức tranh đấu giá của TCT Phát điện 3 sẽ khởi sắc hơn, nhưng hết thời gian đăng ký, 97% số cổ phần đang có nguy cơ ế nguyên khi lượng đăng ký mua chỉ là 7,5/268 triệu cổ phần.
Tuy nhiên, trao đổi với một số nhà đầu tư ngoại, nhiều người vẫn không hài lòng vì không thể kịp đăng ký.
Ông Vương Vệ Á, thành viên HĐQT, CTCP Chứng khoán Kiến thiết cho biết: "Ngày 5/1, EVN Genco 3 gửi thư chào tới các nhà đầu tư nhưng hạn cuối đăng ký là 15/1. 10 ngày là quá ít để khách hàng của chúng tôi là một tập đoàn lớn tại Hong Kong (Trung Quốc) chuẩn bị thủ tục liên quan cùng rất nhiều yêu cầu khắt khe về hồ sơ năng lực làm cổ đông chiến lược. Mất cơ hội mua cổ phần số lượng lớn, khách hàng của chúng tôi đang rất tiếc".
Đánh giá từ góc nhìn của chuyên gia quốc tế, ông Thomas cho rằng độ cởi mở của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài các năm qua đã được cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản cần sớm gỡ bỏ.
Ông Thomas Felix Baden, quyền TGĐ, Công ty Cổ phần Quỹ đầu tư UNICAP lý giải: "Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến chúng tôi than phiền về rào cản ngôn ngữ, tính minh bạch, sự giới hạn không cần thiết của nhiều doanh nghiệp IPO dù họ ở những nhóm ngành Nhà nước không cần nắm giữ".
Vị chuyên gia này cũng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài không có nghĩa là nhà đầu tư tốt nhất nhưng họ đã chứng tỏ là thành tố quan trọng trong sự thành công của nhiều thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn ở Việt Nam. Vậy có chăng Việt Nam cần một môi trường công bằng hơn nữa cho các nhà đầu tư quốc tế?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!