Hướng tín dụng vào sản xuất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay

VTV Digital-Thứ ba, ngày 21/05/2024 07:58 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 5, tín dụng tăng 2,09%, đạt khoảng 13,8 triệu tỷ đồng. Nhu cầu vốn đã trở lại cùng nhịp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển. Với chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan: Điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác.

Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành ngân hàng là cần triển khai tích cực các giải pháp hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5 - 6%.

Ngành ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh tín dụng

Hướng tín dụng vào sản xuất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Ngành ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5 - 6%.

Doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến nông sản đang có dư nợ gần 200 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, doanh số bán hàng trong nước tăng khoảng 10%, xuất khẩu tăng 20%, giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong vay vốn, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp từ đầu năm tới nay, giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GC Food chia sẻ: "Hiện nay phần lớn là vay vốn lưu động, để phục vụ cho việc đầu tư vốn liên kết để trồng nguyên liệu, thứ 2 là hàng tồn kho, cũng như khi sản xuất xong mình bán cho khách hàng nhưng chưa thu hồi công nợ được ngay thì mình đang tạm vay cho những khoản đó. Và cái mức lãi suất vay trung bình từ 4,5-6%/năm, chi phí lãi suất này rất là tốt cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay".

Đến đầu tuần này, nhiều ngân hàng đã có mức tăng trưởng tín dụng trên dưới 7% so với cuối năm 2023, gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân toàn ngành. Lãnh đạo 1 số ngân hàng cổ phần chia sẻ, nhu cầu về vốn đang được cải thiện đáng kể. Vấn đề là tìm được khách hàng tốt, khách hàng phù hợp với chiến lược kinh doanh của ngân hàng, để tăng cung ứng vốn chất lượng ra nền kinh tế.

"Chúng tôi khá lạc quan 1 cách thận trọng, cái chuyện quan trọng nhất hiện tại không phải là: ồ tìm được đủ khách hàng cho cái kế hoạch kinh doanh của mình chưa, mà là chuyện mình tìm khách hàng thích hợp nhất với mô hình kinh doanh của mình, khẩu vị rủi ro tín dụng của mình để cùng nhau tạo được kết quả tối ưu nhất", ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp – HDBank cho biết.

Bên cạnh sự nỗ lực của từng ngân hàng, thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố cũng tích cực kết nối cung cầu vốn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Cùng với các giải pháp về thúc đẩy phát triển kinh tế thì trong thời gian tới tín dụng cũng sẽ trong một xu hướng tăng trưởng tích cực. Nhất là ngành ngân hàng trên địa bàn đã và đang tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh tín dụng, như là thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, chương trình đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với những chuyển biến tích cực của một số lĩnh vực cũng như sự cải thiện từ thị trường bất động sản thì tín dụng cũng sẽ có những xu hướng tăng trưởng".

Liên tiếp các buổi đối thoại, kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được tổ chức. Thông qua đó, các ngân hàng đã giải ngân được 217.000 tỷ đồng, tương đương 40% quy mô đăng ký của gói kết nối trong năm nay cho 61.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tại các sự kiện này, mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp, hộ vay vốn vẫn tập trung chủ yếu quanh các mức lãi vay.

Một chỉ đạo quan trọng nữa của Thủ tướng Chính phủ, là tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội.

Lãi suất huy động chiếm phần quan trọng trong cấu thành giá vốn của các ngân hàng thương mại. Qua trao đổi với nhiều chuyên gia thì ngoài lãi suất huy động niêm yết từng tháng, các ngân hàng còn có 1 nguồn đầu vào khác khá quan trọng, là tiền gửi không kỳ hạn, hay còn gọi là CASA. Đây là khoản tiền mà khách hàng thường để sẵn trong tài khoản thanh toán. Khoản này các ngân hàng chỉ trả lãi gần như không đáng kể, từ 0,1-0,5%/năm.

Tại nhiều ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số nhanh, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn có thể lên tới 40%. Có nghĩa cứ 10 đồng vốn huy động vào, thì có 4 đồng lãi phải trả rất thấp, giúp ngân hàng trung bình được giá vốn đầu vào nhằm giảm lãi suất cho vay. Thực tế chúng tôi cũng đã ghi nhận 1 số trường hợp doanh nghiệp sản xuất vay vốn tương đương, thậm chí, thấp hơn cả lãi huy động đầu vào 1 năm, cũng nhờ việc ngân hàng tính toán, cân đối chi phí hợp lý.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay

Hướng tín dụng vào sản xuất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay - Ảnh 2.

Ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay thúc đẩy phát triển kinh tế.

Liên tục vận chuyển, đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu gia vị đang tích cực thu mua khi nguyên liệu quế đang vào vụ thu hoạch. Với 3.000 tấn quế nguyên liệu, lượng này tương đương 200 container hàng xuất khẩu. Đây là tín hiệu khá là mừng, để có được lượng nguyên liệu khổng lồ này thì doanh nghiệp đã phải huy động lượng vốn hàng trăm tỷ đồng từ ngân hàng.

"Chúng tôi đang vay ngân hàng lãi suất bình quân là 3,3-3,5%, lãi suất USD là từ 3,5-3,8%. Chi phí vốn vay ngân hàng rất rẻ, đấy cũng là một trong các tiền đề mà các doanh nghiệp khi đã có đơn hàng thì có thể mạnh dạn làm lớn mà xuất khẩu", bà Đỗ Thị Mai Dung - Tổng Giám đốc CTCP Prosi Thăng Long chia sẻ.

Lãi giảm, doanh nghiệp mạnh dạn làm lớn. Còn ngân hàng, cũng tăng thêm sức cạnh tranh để thu hút khách hàng. Đặc biệt, sau khi Chính phủ chỉ đạo phải công khai lãi suất vay, nhiều ngân hàng buộc phải giữ mức lãi suất cạnh tranh, nếu không muốn người vay chuyển hướng sang ngân hàng khác.

"So với cách đây 3 tháng, chúng tôi cũng đã giảm từ 2-3% lãi suất so với gói lãi suất trước đây chúng tôi đã ban hành, để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước", ông Đào Minh Tuấn - Phó Giám đốc Phụ trách Khối khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngân hàng TMCP An Bình ABBank thông tin.

Để giảm được lãi suất cho vay là thách thức không nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng thêm nguồn vốn không kỳ hạn, các ngân hàng sẽ phải tiết giảm thêm chi phí hoạt động, điều hành.

Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết: "Chúng ta biết là chi phí hoạt động chiếm từ 30-40%. Trong quý 1 thì chúng tôi thấy rất nhiều ngân hàng cố gắng giảm chi phí hoạt động, để họ giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ".

Cũng theo thống kê của chứng khoán Smart Invest, tốc độ giảm lãi suất cho vay đang nhanh hơn. Trong quý 1, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,7% so với cuối năm 2023, trong khi lãi suất huy động hạ 0,3%. Do đó, áp lực lãi suất huy động dù có tăng lên trong thời gian gần đây nhưng chưa tác động ngay tới mặt bằng lãi suất cho vay. Cộng thêm chỉ đạo của chính phủ, các ngân hàng thương mại sẽ phải tìm cách cân đối nguồn vốn vào - ra nhiều hơn.

Việc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước