Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận khá xác đáng của các học giả, chuyên gia về tình hình nợ xấu của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, chính những người trong giới nghiên cứu cũng chưa thống nhất được về cách xử lý nợ xấu.
Đầu tiên là cách thức định giá các khoản nợ xấu, bởi mục tiêu xử lý nợ xấu là để cứu doanh nghiệp chứ không phải làm sạch bản cân đối kế toán của các ngân hàng. Tiếp đó, sau khi định xong giá trị các khoản nợ xấu là cơ chế mua - bán các khoản nợ xấu sẽ được tiến hành ra sao, thỏa thuận hay đấu giá, tự nguyện hay áp dụng mệnh lệnh? Và vấn đề quan trọng nhất là huy động nguồn lực từ đâu để xử lý nợ xấu. Bởi dù là nguồn tiền nào thì nguồn lực huy động vẫn phải từ chính trong quốc gia, thậm chí cả đi vay mượn thì quốc gia vẫn phải có trách nhiệm trả nợ sau này.
Điểm chung nhất mà nhiều đại biểu có đồng quan điểm là việc đề xuất thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, với khung pháp lý rõ ràng, cùng với đó là cơ chế mua - bán nợ cần phải được công khai minh bạch. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc trong những năm 1997-1998 của thế kỉ trước khi các quốc gia này có mức nợ xấu lên tới 40-50% đã thành lập công ty mua bán nợ quốc gia cũng là kinh nghiệm quý đối với Việt Nam.