Các doanh nghiệp đều cho rằng, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ mà Thủ tướng đưa ra nếu được triển khai nhanh chóng, đi ngay vào cuộc sống sẽ tạo động lực rất lớn, khích lệ toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đang lâm vào bế tắc cũng có cơ hội phục hồi mạnh mẽ, qua đó đưa nền kinh tế sớm khởi động trở lại.
Bên cạnh sự đồng tình và đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp hiện có chung mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng những tiêu chí minh bạch, dễ hiểu và đơn giản để những giải pháp này nhanh chóng và dễ dàng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, không nên yêu cầu doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực bị suy giảm nhiều do dịch phải quá chi tiết trong việc chứng minh thiệt hại mới có thể nhận được sự hỗ trợ.
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra vào ngày 9/5, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định, rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng đang tìm đến Việt Nam. Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đạt trên 12 tỷ USD. Điều này cho thấy xu thế đi ngược với sự suy thoái dòng vốn tại nhiều nước. Những tín hiệu này cho thấy, kinh tế Việt Nam có sức chống chịu tốt và có cơ hội lội ngược dòng. Theo cách nói của nhiều tổ chức quốc tế, dịch COVID-19 làm đảo lộn, nhưng cũng chính là sự sắp xếp lại và Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới để trở nên mạnh mẽ hơn.
Không giảm đầu tư ở Việt Nam là câu trả lời của 90% doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Thậm chí, hơn một nửa trong số đó còn mong muốn được tăng thêm vốn. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có câu trả lời tương tự. Đại dịch đã không bỏ qua các nhà đầu tư, nhưng nếu vì thế mà phải bỏ qua thị trường Việt Nam, với họ thiệt hại còn lớn hơn những gì mà đại dịch gây ra. "Quyết đoán", "kịp thời" là từ được lặp lại nhiều lần trong phát biểu của các tổ chức quốc tế để nói về cách mà Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh và cũng là cách sẽ cứu doanh nghiệp khỏi khủng hoảng, từ đó làm tăng độ tin cậy của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đưa ra nhiều khuyến nghị trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa các hoạt động thương mại toàn cầu, các chuyên gia quốc tế lạc quan rằng nếu triển khai hiệu quả những giải pháp được đưa ra tại hội nghị, GDP của Việt Nam sẽ đạt gần 5% trong năm nay. Dù thấp hơn mục tiêu 6 - 7% nhưng đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất trong ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!