Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

Hữu Trí-Thứ ba, ngày 05/10/2021 06:36 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, chỉ khoảng 1.000 - 1.500 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng hàng năm được giải quyết. Đây là con số quá nhỏ so với thực tế, đặc biệt là gần hai năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, đẩy nhanh tốc độ phát triển của thương mại điện tử, làm xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công Thương, nếu như giai đoạn 2016 - 2018, cơ quan này chỉ tiếp nhận khoảng 100 sự việc khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử, thì từ năm 2019 đến nay, con số này đã tăng hơn gấp đôi.

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng Phòng Bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công Thương, cho biết: "Cùng với sự thuận tiện, yếu tố gián tiếp của kinh doanh trực tuyến khiến gia tăng số lượng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng".

Đứng trước các tranh chấp, khảo sát từ Bộ Công Thương cho thấy, 44% người tiêu dùng sẽ lựa chọn im lặng hoặc bỏ qua vụ việc. 36% chọn khiếu nại trực tiếp với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Và chỉ có 20% yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hỗ trợ.

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng - Ảnh 1.

Theo luật sư, giá trị hàng hoá quá nhỏ là nguyên nhân chính khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn "im lặng là vàng".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, cho biết: "Giá trị hàng hoá thấp trong khi các trình tự, thủ tục dường như khó hơn nhiều. Họ cũng đối mặt với chi phí kép, vừa hàng hoá đã không như mong đợi, lại còn thêm chi phí khác".

Người tiêu dùng thì e dè, còn Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng năm 2010, theo các chuyên gia, dù đã từng bước đi vào đời sống, nhưng hiện đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Trước những bất cập này, Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong lúc chờ sửa đổi Luật, thời gian qua, nhiều chính sách cũng đã được đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tháng 7 năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước