Báo chí toàn cảnh 10/7:

Hậu Formosa: Bài học đắt giá về đánh đổi, trách nhiệm và tư duy nhiệm kỳ

Anh Phương, Ngọc Hà (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 10/07/2016 10:23 GMT+7

VTV.vn - Những sự cố môi trường như vụ việc Formosa đang phát đi những lời cảnh tỉnh đối với cách một số địa phương mời gọi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang. Như vậy, lại thêm một vụ việc nữa liên quan tới môi trường khiến Thủ tướng phải vào cuộc. Sau vụ Formosa Hà Tĩnh còn chưa đánh giá hết hậu quả, nay lại đến Nhà máy Giấy Lee & Man (do một tập đoàn của Hong Kong đầu tư) có nguy cơ “bức tử sông Hậu”. Sự việc này khiến nhiều tờ báo trong tuần qua không khỏi đặt câu hỏi điều gì thật sự đang diễn ra?

Các định hướng trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài đã được nhất quán từ lâu. Đó là chỉ chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Vậy nhưng các dự án gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam vẫn hiện hữu và đang khiến dư luận ngày càng quan ngại hơn.

Trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp có bài viết Bài học đắt giá cho Việt Nam. Vậy bài học đắt giá đó là gì? Câu trả lời được GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhắc đến, đó là thu hút đầu tư nước ngoài vẫn quan trọng, nhưng Việt Nam có quyền lựa chọn. Trước hết, phải xác định những lĩnh vực nào có nguy cơ hủy hoại môi trường. Yêu cầu này càng quan trọng khi do xu hướng đón đầu TPP, nhiều dự án như xơ sợi, dệt nhuộm đã được đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, dệt nhuộm hay lọc hóa dầu, xi măng, sắt thép đều là những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao mà hiện tại Việt Nam đều đã có công suất dư thừa so với nhu cầu.

"Quyền lựa chọn thuộc các địa phương"

Việt Nam có quyền lựa chọn dự án, nhưng theo báo Đầu tư, cái khó hiện nay là dù quan điểm của Chính phủ đã được khẳng định rất rõ ràng: không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay “quyền lựa chọn” lại không thuộc ở Trung ương mà thuộc về các địa phương thông qua cơ chế phân cấp quản lý đầu tư. Thực tế, những ám ảnh thành tích đang khiến không ít địa phương dành nhiều ưu ái cho các dự án quy mô lớn mà không lường trước những tác động khôn lường tới môi trường.

Chính xuất phát từ những bất cập này, một số tờ báo chỉ ra trong tuần qua đã chỉ ra một thực tế. Có những dự án bị địa phương này từ chối vì sử dụng công nghệ “bẩn” nhưng lại được địa phương khác trải thảm đỏ, bỏ qua các tiêu chí đảm bảo môi trường, phớt lờ hậu quả có thể xảy ra.

Trên tờ Thời báo Ngân hàng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho rằng đã đến lúc cần đặt lại vấn đề phân cấp trong cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài. Vào thời điểm trước đây khi chúng ta đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và với lượng vốn cũng như số dự án vào quá lớn, thì việc phân cấp là đúng đắn, tạo điều kiện thông thoáng, nhanh hơn để vốn chảy vào được tốt hơn. Tuy nhiên, đến nay, sau trường hợp của Formosa hay một loạt các dự án có quy mô lớn nhưng không triển khai được và phải rút giấy phép, cũng đã đến lúc cần xem lại việc phân cấp. Đó không phải là rút lại toàn bộ quyền của các địa phương trong cấp phép mà phải làm sao tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành hơn.

Trên tờ Nông thôn Ngày nay, TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính) cho rằng việc để xảy ra ô nhiễm môi trường cũng cho thấy ngoài công nghệ lạc hậu, ý thức cũng “lạc hậu”. Theo tờ báo này, tăng trưởng kinh tế ở mỗi địa phương chỉ là cái nhìn trước mắt, còn nếu nhìn xa hơn phải thấy Việt Nam hiện có những làng nghề ngày càng giàu lên những tuổi thọ của người dân ở các làng nghề này lại giảm đi. Ngân hàng thế giới tính toán, thiệt hại của Việt Nam mỗi năm là âm 2,5% GDP do ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, đây là con số đã được tính toán từ khá lâu, nếu cập nhật mới có thể lớn hơn.

Khi nói về câu chuyện làm sao để những sự cố môi trường không còn lặp lại, có một câu hỏi mà nhiều người quan tâm là trách nhiệm rồi sẽ được xử lý ra sao. Bởi nếu không làm rõ trách nhiệm các bên, nếu không có các biện pháp xử lý nghiêm minh, không khó hình dùng rồi sẽ lại có những sự cố môi trường khác trong tương lai.

Trách nhiệm của chủ đầu tư đối với những dự án gây tác hại môi trường đã rõ nhưng nếu chỉ xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư, đó mới chỉ là xử lý phần ngọn. Một vấn đề lớn hơn là trách nhiệm của các cơ quan cấp phép đầu tư như báo Nông nghiệp Việt Nam đề cập, đó là cần loại bỏ tư duy nhiệm kỳ trong thu hút đầu tư.

Các dự án đầu tư mang lại diện mạo mới cho phát triển địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng thu cho ngân sách. Nhưng tuổi thọ một dự án kéo dài đến 50-70 năm đi qua hơn 10 nhiệm kỳ công quyền, biết bao vấn đề nảy sinh từ quyết định ban đầu chấp nhận dự án. Thực tế chỉ ra rằng, các vụ vi phạm môi trường không chỉ khó phát hiện mà còn khó xử lý, truy cứu trách nhiệm, đặc biệt khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều thiếu sót.

Nhìn lại vụ Lee & Man tại Hậu Giang hay trước đó là vụ Formosa tại Hà Tĩnh, có thể nhận thấy một điểm khá giống nhau là các tiêu chí về công nghệ, về đánh giá tác động môi trường đã được thẩm tra, được phê duyệt quá dễ dãi. Để rồi sau đó một đại diện Bộ Khoa học - công nghệ từng phải thốt lên: “Công nghệ vào Việt Nam hầu như không được kiểm soát. Khi xảy ra vấn đề mới hỏi đến Bộ KH-CN”. Nó khiến người ta không thể không băn khoăn là tại sao với một hệ thống pháp luật với vô số các điều kiện kinh doanh và môi trường cùng một rừng văn bản lại vẫn để lộ ra còn những lỗ hổng cho các dự án gây hại tới môi trường!

Theo báo Đại biểu Nhân dân, nếu bộ nọ ngành kia vin cớ đổ cho đây là dự án của tỉnh, vì phân cấp rồi, nên trách nhiệm các tỉnh gánh hết. Nếu quả bóng trách nhiệm cứ đá sang chân nhau như thế, Bộ KH - ĐT, Bộ KH - CN, Bộ TN - MT để làm gì? Và giám sát thế nào mà khi vụ việc phơi ra, các cơ quan chức năng mới hay biết. Phải chăng trách nhiệm cứ được đổ qua đổ lại, rồi cuối cùng người dân là đối tượng lãnh hết hậu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước