Hậu COVID-19, giải ngân đầu tư công có những đột phá lớn

Quỳnh Anh - Duy Hoàn-Thứ tư, ngày 24/06/2020 19:40 GMT+7

VTV.vn - Dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tỉnh miền núi phía bắc đã chủ động quản lý và giải ngân vốn đầu tư.

Các tỉnh miền núi phía Bắc phần lớn là những tỉnh nghèo và bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn có những bước tiến vượt bậc khi chủ động thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trong quản lý và giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng.

Năm 2019, tỉnh Lào Cai nằm trong top những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp cả nước. Tuy vậy, năm 2020, địa phương này đã có những chủ trương quyết liệt như đôn đốc về tiến độ dự án, giải phóng mặt bằng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 40%, trong đó vốn ODA đạt 30% vươn lên top 10 các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất.

Hậu COVID-19, giải ngân đầu tư công có những đột phá lớn - Ảnh 1.

Nhiều địa phương chủ động thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trong quản lý và giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng.

Tương tự, Cao Bằng là địa phương vùng Tây Bắc đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao trong 6 tháng đầu năm, đạt 30% kế hoạch tăng 6,2 điểm so với cùng kỳ năm trước.

"Cao Bằng kiên quyết điều chuyển vốn các dự án chậm tiến độ cho các dự án giải ngân cao. Phân công trách nhiệm cho các lãnh đạo, sở ngành các huyện, các chủ đầu tư được giao vốn, coi kết quả giải ngân là tiêu chỉ đánh giá cuối năm của người đứng đầu", ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ.

Theo Cục quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, việc chậm triển khai các dự án sẽ làm tăng khoảng 17,6% chi phí mỗi năm. Trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính. Dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 có những bước tiến cao hơn các năm trước, đạt khoảng 80% so với kế hoạch.

Hậu COVID-19, giải ngân đầu tư công có những đột phá lớn - Ảnh 2.

Các tỉnh đã phân bổ kế hoạch sát với thực tế, cũng như bám sát yêu cầu công việc để các thủ tục.

"Công tác giải ngân của các tỉnh miền núi phía Bắc rất tích cực. Con số giải ngân chung của đầu tư công là 28,9%, trong đó vốn ODA chiếm gần 12%. Các tỉnh đã phân bổ kế hoạch sát với thực tế, cũng như bám sát yêu cầu công việc để các thủ tục". ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ Tài Chính chia sẻ. 

"Về 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ đầu tư công cũng đang có những triển biến rõ rệt. Đối với Hà Nội năm 2020, con số giải ngân trên 20% tập trung vào những dự án lớn, trọng điểm. Còn với TP. Hồ Chí Minh, tuy con số giải ngân ko cao khoảng 3%, nhưng 3 dự án với số vốn 4.600 tỷ đang xin hoàn vốn", ông Long nói thêm

Theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, để thúc đẩy giải ngân cũng như sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA, cần phải đưa ra những quy chế rõ ràng, quy chế thưởng - phạt cho các đơn vị. 

Đồng thời, cần lựa chọn thận trọng, thu hẹp lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, ưu tiên phân bổ cho các dự án quan trọng. Năm 2020, tỷ lệ giải ngân kỳ vọng đạt 100% theo kế hoạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước