"Gojek luôn tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao trải nghiệm dành cho người dùng. Chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin chi tiết hơn vào thời điểm phù hợp", Gojek phản hồi trước thông tin mua lại ví điện tử WePay.
Với phản hồi mở trên, việc startup tỷ đô này có thể sớm sở hữu một ví điện tử là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Cách đây ít ngày theo Dealstreetasia, Gojek đã mua lại phần lớn cổ phần tại WePay để thúc đẩy nỗ lực triển khai ví điện tử tại Việt Nam.
Thông tin của Dealstreetasia là chính xác, và thương vụ mua lại WePay thành công, Gojek sẽ có một bước tiến đáng kể trong việc hoàn tất hệ sinh thái của mình. Với Wepay, người dùng có thể thanh toán không tiền mặt cho các dịch vụ đặt xe, giao nhận thức ăn cũng như nhiều dịch vụ khác của Gojek.
Trước đó vào tháng 9/2018, đối thủ của Gojek là Grab đã công bố mua lại cổ phần và hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca. Sau đó, hai bên ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca. Qua đó đánh dấu sự hiện diện chính thức của Grab trong thị trường ví điện tử/trung gian thanh toán Việt Nam.
Thanh toán qua ví điện tử tăng mạnh trong thời gian qua tại Việt Nam (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo đầu tư)
Cuối tháng 8 vừa qua, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước đến nay đã cấp phép cho 37 tổ chức trung gian thanh toán, trong đó có 34 ví điện tử. Tính đến hết quý I/2020, Việt Nam đang có 13 triệu tài khoản ví điện tử được kích hoạt, sử dụng với tổng số dư ví vào khoảng 1,36 nghìn tỷ đồng.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, trong quý I/2020 có khoảng 225,6 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử với giá trị giao dịch 77,7 nghìn tỷ đồng.
Người dùng tại Việt Nam thường sử dụng các ví điện tử để thực hiện các dịch vụ như: nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn hay đặt xe công nghệ…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!