Gỡ “thẻ vàng” thủy sản: Cần sự đồng lòng của các địa phương

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/09/2021 21:24 GMT+7

VTV.vn - Mục tiêu gỡ "thẻ vàng" vẫn là một thách thức nếu không có sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các địa phương.

Gần 4 năm kể từ khi thủy sản Việt Nam bị cảnh cáo "thẻ vàng" bởi Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10/2017, đây là quãng thời gian Chính phủ, các bộ ngành và toàn thể cộng đồng ngư dân Việt Nam đã tích cực cải thiện theo các khuyến nghị của EC nhằm sớm được gỡ bỏ "thẻ vàng".

Mới đây, EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bên cạnh đó, EC cũng đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU và đạt được sự chuyển biến so với trước. Đặc biệt, ý thức của mỗi ngư dân giờ đã có nhiều thay đổi rõ rệt.

Tăng giám sát để chống khai thác bất hợp pháp

Một quy trình đã trở thành thói quen của ngư dân Trần Văn Phận (chủ tàu cá PY 96734) mỗi khi cập cảng sau hơn 20 ngày khai thác ở vùng khơi là nộp nhật ký khai thác cho Ban quản lý Cảng cá Đông Tác, tỉnh Phú Yên.

Từ nhật ký khai thác này, cán bộ tại cảng một lần nữa kiểm tra tính chân thực của nhật ký thông qua phần mềm giám sát hành trình.

Gỡ “thẻ vàng” thủy sản: Cần sự đồng lòng của các địa phương - Ảnh 1.

Mới đây, EC đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). (Ảnh minh họa: Dân trí)

"Bây giờ ngư dân mình cảnh giác cao, không xâm phạm vùng biển nước ngoài, chỉ đánh bắt ở vùng biển Việt Nam", ông Trần Văn Phận, ngư dân tỉnh Phú Yên, chia sẻ.

Phú Yên đã bắt buộc 100% tàu cá từ khi xuất bến đến khi về đất liền phải mở thiết giám sát hành trình 24/24 giờ và khi trở về cũng giám sát chặt chẽ nguồn gốc cá khai thác ở đâu. Hiện nay, quy định này được Hội nghề cá Phú Yên giám sát chặt và ngư dân đã thực hiện thuần thục.

"Thứ nhất là sự vào cuộc từ trung ương đến địa phương. Thứ hai là nhận thức của bà con ngư dân trong quá trình khai thác trên biển, họ biết như thế nào để khai thác ổn định, bền vững, đảm bảo sinh kế và không gây ảnh hưởng đến 'thẻ vàng' EC", ông Đào Quang Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, cho hay.

Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có khoảng 1.100 thuyền trưởng, chủ tàu có tàu khai thác vùng khơi và vùng lộng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên xây dựng lực lượng ngư dân phát hiện, tố giác các tàu cá cố tình vi phạm thông qua các tổ đội sản xuất an toàn.

Thách thức gỡ "thẻ vàng" thủy sản

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương làm tốt, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ này. 4 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Trà Vinh hiện có tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình dưới 70%. Các địa phương này cũng nằm trong danh sách những địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng chưa đảm bảo độ tin cậy.

Ngoài ra, một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, như: Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và đặc biệt là Kiên Giang. Phía EC khẳng định sẽ không gỡ "thẻ vàng" nếu còn trường hợp vi phạm. Do vậy, mục tiêu gỡ "thẻ vàng" sẽ vẫn là một thách thức nếu không có sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các địa phương.

Gỡ “thẻ vàng” thủy sản: Cần sự đồng lòng của các địa phương - Ảnh 2.

Ngành thủy sản cần nhanh chóng gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) để tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Phía EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị mới và yêu cầu Việt Nam cần thực hiện: Khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; Thực thi pháp luật.

Nếu việc thực hiện 4 khuyến nghị này không có sự chuyển biến, rất khó để EC gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Trường hợp xấu hơn, có thể bị đánh giá là không hợp tác và sẽ bị áp dụng biện pháp "Thẻ đỏ". Điều này có nghĩa thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU, gây tổn thất khoảng nửa tỷ USD mỗi năm.

Không chỉ vậy, châu Âu là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự và thiệt hại của ngành thủy sản Việt Nam sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

"Trong thời gian tới đây, một số thị trường khác có thể tiếp tục có kiểm soát với thủy sản của ta. Đó là bước khó khăn tiếp theo cho ngành khai thác và chế biến hải sản. Chính vì vậy, chúng ta phải tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam và những hiệp ước mà chúng ta đã tham gia, để từ đó chứng minh chúng ta là một quốc gia khai thác có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương và bảo vệ đa dạng sinh học", ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Mới đây, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đã đưa ra cảnh báo có tới 7% giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là sản phẩm IUU, tương đương 106 triệu USD. Đáng ngại, trong lúc này, nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia cạnh tranh với nước ta về xuất khẩu thủy sản đang gây sức ép với EC để không gỡ, thậm chí là đề nghị nâng lên cảnh báo "thẻ đỏ" với thủy sản Việt Nam.

Tại cuộc họp trực tuyến trực tuyến với 28 địa phương ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành liên quan và các tỉnh thành ven biển thực hiện nghiêm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để nhanh chóng gỡ "thẻ vàng" thủy sản.

Điều này không chỉ để đảm bảo tiềm năng cho một ngành kinh tế mũi nhọn với kim ngạch xuất khẩu gần 9 tỷ USD mỗi năm, mà còn là sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân lao động trực tiếp trên biển và khoảng 4 triệu lao động gián tiếp ven biển. Đặc biệt, việc gỡ "thẻ vàng" và gỡ sớm còn liên quan đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực cũng như trên thế giới.

Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” thủy sản vào năm 2022 Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” thủy sản vào năm 2022

VTV.vn - Bộ NN&PTNT cho rằng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước