Tháng trước, một cây lan đột biến được chuyển nhượng thành công với giá 9,9 tỷ đồng. Trên các hội nhóm chơi lan, các mầm lan được giao dịch với giá vài tỷ cũng phổ biến.
Giá của lan đột biến được tính theo chiều dài của thân và dựa trên sự độc đáo của hoa, mức độ hiếm có, thế nên giá cả cũng rất "vô chừng". Thậm chí, các giao dịch lan đột biến còn trở thành nguồn cảm hứng để dân mạng đã "chế" ra đủ hình ảnh hài hước liên quan tới chủ đề này.
GS.TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Công nghệ châu Á - Thái Bình Dương nhận định không có mức giá quy định cho loài lan đột biến, mà phụ thuộc vào sự trao đổi, thỏa thuận giữa người mua và người bán. Lan đột biến có giá trăm triệu đến tiền tỷ là có, nhưng ông thừa nhận hiện nay do nhu cầu tăng nên lan đột biến đang bị thổi giá quá cao so với giá trị thực.
Những cuộc giao dịch lan đột biến với giá trị khủng khiến cộng đồng mạng "dậy sóng".
Để ngăn chặn hành động thổi giá, nâng khống giá thì người chơi phải cực kỳ tỉnh táo trước các giao dịch bất thường. Đặc biệt là phải thẩm định thông tin, nhất là trên mạng xã hội, không tiếp tay, phát tán những điều còn nhiều nghi vấn.
Còn đối các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì cần nhanh chóng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra các giao dịch và đẩy mạnh, hoàn thiện các quy định về quản lý thông tin, kinh doanh trên mạng nhằm tránh bỏ lọt những sai phạm.
Theo ông Vương Xuân Nguyên - Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội, việc thổi giá các giao dịch lan đột biến gần đây đang gây ảnh hưởng xấu, làm méo mó thị trường. Không những thế, các thương vụ bất thường còn là nguyên nhân khiến mọi người hiểu sai về ngành sinh vật cảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!