Giảm tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước, tăng sức hút với nhà đầu tư

Quang Huy - Mạnh Cường (Thời sự VTV)-Thứ năm, ngày 18/09/2014 16:40 GMT+7

Giảm tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước xuống mức thấp, Nhà nước không còn nắm cổ phần chi phối ở các DN trong lộ trình cổ phần hóa đang tạo ra những chuyển biến tích cực.

Nhà đầu tư có thêm lòng tin, mạnh dạn đầu tư, giúp doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất, kinh doanh. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động cũng tạo thêm sức ép đối với lãnh đạo doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu. Điều đó đang được kỳ vọng là giải pháp giúp các đơn vị thực hiện được mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN tới hết năm 2015 mà Chính phủ đề ra.

Ví như theo quy hoạch, Cảng Quy Nhơn trong tương lai đến năm 2020 sẽ đáp ứng được lượng hàng hóa qua cảng từ 15 - 18 triệu tấn/tháng. Việc doanh nghiệp cổ phần hóa từ tháng 11/2013 sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn hơn 3.000 tỷ VND, để thực hiện quy hoạch.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - TGĐ Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết: “Điều này chắc chắn sẽ tạo ra phần vốn huy động từ các thành phần kinh tế hơn là trông chờ vào ngân sách nhà nước”.

Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn sở hữu của nhà nước từ 75% xuống còn 49% theo đề án tái cơ cấu Cảng Quy Nhơn của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines đã tạo ra sức hút mới với các nhà đầu tư. 25% vốn nhà nước đã được bán thành công. Vinalines sẽ thoái tiếp 26% vốn Nhà nước trong thời gian tới.

Theo ông Lê Anh Sơn - TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ngay sau khi Tổng công ty có chủ trương giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 75% xuống còn 49% tại các cảng biển lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã rất quan tâm. Động thái này có nghĩa họ cảm thấy tin tưởng hơn về tính minh bạch của doanh nghiệp.

Đối với Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4, hoạt động của doanh nghiệp đã có sự thay đổi rõ rệt khi Nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Tháng 6/2014, phần vốn Nhà nước ở đơn vị này chỉ còn 35% và lộ trình sẽ chỉ còn 0% vào cuối năm nay.

Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư ngoại vào cuộc. Doanh nghiệp có thêm năng lực để thực hiện 4 dự án lớn. Lãnh đạo doanh nghiệp có thêm sức ép để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ông Lê Ngọc Hoa - TGĐ Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 khẳng định: “Các nhà lãnh đạo tại Tổng Công ty cũng phải xác định là chúng ta đi làm thuê cho các nhà đầu tư. Mình phải làm thật tốt, đưa ra cổ tức 15% hay 20% thì phải đạt được. Năm thứ nhất, năm thứ hai không đạt được, chắc chắn chủ đầu tư sẽ thay. Đó là một động lực không có gì bằng được”.

Doanh nghiệp này cũng cho biết thêm, cổ phần hóa đã giúp năng suất lao động của họ tăng thêm. Và đó cũng là động lực để hoàn thành dự án kịp tiến độ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước