Tính đến nay, 16 tổ chức tín dụng đã thống nhất, cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho cả khoản vay cũ, mới. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đã đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Lần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho cả khoản vay cũ, mới. Thống kê sơ bộ kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho doanh nghiệp, nền kinh tế của các tổ chức tín dụng khoảng 18.830 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn trước tình trạng dịch căng thẳng nên nhiệm vụ đặt ra giảm lãi suất cho doanh nghiệp là rất căn cơ, thiết thực. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm đồng hành cùng doanh nghiệp giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho doanh nghiệp bằng 2 cách. Một là, tiết giảm chi phí hoạt động, hai là chia sẻ từ nguồn lợi nhuận.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn (1,5 - 2%/năm), đồng thời có các biện pháp chỉ đạo, điều hành, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm các mức lãi suất cho vay.
Về cơ chế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức thanh toán miễn, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng.
Ngoài việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn không chuyển nhóm các doanh nghiệp, việc giảm lãi là thiết thực nhất, cụ thể nhất. Thống kê sơ bộ, kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho doanh nghiệp, nền kinh tế của các tổ chức tín dụng là khoảng 18.830 tỷ đồng.
Nếu tính các khoản hỗ trợ đã thực hiện từ đợt dịch năm 2020 đến nay, hàng trăm nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ được xem xét cơ cấu lại các khoản nợ, lãi, được hỗ trợ lãi suất ở mức độ phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, vừa qua, ngoài các gói hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo triển khai các chính sách tín dụng, chính sách xã hội khoảng 7.500 tỷ, đóng góp trong gói 26.000 tỷ đồng (2021) dành cho người khó khăn vì dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!