Việc nhiều ngân hàng hưởng ứng lời kêu gọi giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 rõ ràng là tin vui, nhưng theo Báo Đầu tư Tài chính - Sài Gòn giải phóng, vui nhưng cũng không thể kỳ vọng quá nhiều.
Theo dõi thị trường lãi suất hơn 1 năm sống cùng COVID-19 vừa qua, có thể thấy việc giảm này sẽ mang tính chọn lọc, có điều kiện với một bộ phận doanh nghiệp. Ngân hàng cũng không thể hy sinh toàn bộ lợi nhuận. Như lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ với bài viết, giảm 1% lãi suất cho vay trên tổng dư nợ 350.000 tỷ đồng, lợi nhuận sẽ giảm 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch năm.
Nhiều ngân hàng hưởng ứng lời kêu gọi giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Bài viết kết luận, ngoài giải pháp giảm lãi suất từ phía các ngân hàng, điều cần thiết bây giờ là gói hỗ trợ tài khóa giúp doanh nghiệp có thanh khoản để duy trì sự sống và chờ ngày phục hồi phát triển.
Xuất, nhập khẩu: Bức tranh không chỉ toàn màu hồng
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay dù tăng rất mạnh, nhưng nhập khẩu lại còn tăng mạnh hơn. Nếu cho rằng nhập khẩu tăng mạnh, dẫn đến nhập siêu là dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế thì e rằng nhận định như vậy là quá lạc quan, theo bài viết trên Kinh tế Saigon online.
Theo số liệu, mức tăng rất mạnh của nhập khẩu chủ yếu không đến từ sự tăng khối lượng hàng nhập, mà do tăng giá. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khi giá hàng xuất khẩu 6 tháng vừa qua chỉ tăng 1,22% so với cùng kỳ, giá hàng nhập khẩu đã tăng gấp đôi. Trong đó, riêng ở nhóm hàng nhiên liệu, mức chênh lệch này thực sự "siêu khủng" với giá hàng xuất khẩu tăng 1,31% và giá hàng nhập khẩu tăng tới 20,95%.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay dù tăng rất mạnh, nhưng nhập khẩu lại còn tăng mạnh hơn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Kim ngạch xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại những tháng cuối năm diễn biến như thế nào chắc chắn sẽ còn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào xu thế biến động giá cả của thị trường thế giới và những nỗ lực kiềm chế đại dịch COVID-19.
Trong trường hợp giá cả thế giới còn tăng, cán cân thương mại sẽ còn xấu hơn, bởi "rổ hàng nhập khẩu" sẽ còn bị khuếch đại nhiều hơn xuất khẩu, nên khả năng Việt Nam có xuất siêu trở lại là rất khó.
Ba băn khoăn lớn của doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Đảm bảo công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên chia sẻ tại buổi đối thoại tháo gỡ vướng mắc sau dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh với hơn 180 doanh nghiệp FDI, nhiều FDI cho biết việc thời gian cách ly của chuyên gia nước ngoài đang gây ra không ít khó khăn.
Theo quy định hiện tại cần phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó cách ly tại khách sạn 14 ngày nữa mới được đi làm. Thời gian như vậy ảnh hưởng đến quỹ thời gian làm việc trong khi nhiều doanh nghiệp đang cần chuyên gia để lắp đặt dây chuyền mới.
Theo thống kê của tỉnh Bắc Ninh, tháng 4 - 5 dịch diễn biến phức tạp nên hồ sơ xin nhập cảnh cho chuyên gia bị tồn đọng hơn 300 người, con số này là rất lớn. Để hỗ trợ doanh nghiệp có đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên làm việc trong tuần này, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ chủ trì làm việc với tổ tư vấn để xem xét tất cả yếu tố liên quan như dịch tễ, thủ tục để giải quyết tồn đọng hồ sơ.
Những quốc gia nào đảm bảo dịch tễ thì sẽ duyệt luôn, nơi nào chưa đảm bảo thì sẽ thông tin lại ngay cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp chủ động, thời gian cách ly cũng tiến tới giảm còn 14 ngày và kết hợp việc đảm bảo không gian độc lập trong làm việc của chuyên gia để phòng dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!