Giảm lãi suất thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

VTV Digital-Thứ ba, ngày 28/05/2024 06:32 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, tại cuộc họp gần đây về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát. Điểm đặc biệt, lần này có các mục tiêu hết sức cụ thể, như phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II năm nay ở mức 5 - 6%.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay. Liên tục hàng loạt các chỉ đạo, điều hành của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành trong suốt thời gian qua, để hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với tinh thần "không bàn lùi, chỉ bàn làm", nhiều gói vay lãi suất thấp đã được các ngân hàng triển khai. Đáng chú ý, các gói vay từ 5-6%/năm không chỉ xuất hiện ở nhóm big 4, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mà lan sang cả các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Bài toán chi phí, giá thành khi sản xuất một bộ đồ chơi luôn khiến doanh nghiệp phải tính toán, như khi chơi 1 ván cờ vậy. Chất lượng tốt, giá bán hợp lý sẽ thắng, và ngược lại. Chính nhờ nguồn vốn vay giá rẻ đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, từ đó giảm giá thành để giành được thị phần so với đồ chơi nhập khẩu.

Mức lãi vay của doanh nghiệp tiếp tục được giảm thêm 1% so với cuối năm 2023. Đáng nói, họ còn được vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo, với hạn mức lên tới hơn 2 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp mạnh dạn nhập hàng sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc CTCP Đồ chơi An toàn Việt cho biết: "Việc hỗ trợ lãi suất đã giúp tiết kiệm hơn 80 triệu/năm, thực ra không phải là phần giảm quá lớn, nhưng giúp chúng tôi tích lũy được chi phí cơ bản, để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và bán hàng hiệu quả hơn".

Dù biểu lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng đang là 5,5%, nhưng họ vẫn dành cả nghìn tỷ đồng cho vay 1 số nhóm doanh nghiệp ưu tiên với lãi suất chỉ từ 5%/năm. Giảm lãi suất, đa dạng hình thức cho vay là cách mà nhiều ngân hàng đang sử dụng để giữ chân khách hàng.

"Mức lãi suất áp dụng cho những đối tượng ưu đãi giảm từ 1-2% so với biểu lãi suất chung và một số ngành nghề và lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng cũng như các khác hàng trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực ưu tiên có thể vào xuất khẩu hoặc các ngành nghề liên quan đến ứng dụng công nghệ cao thì ngân hàng đang áp dụng lãi suất ưu đãi", bà Trần Nhị Hà - Phó Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp PGBank cho hay.

Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB cho biết: "Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, về phía ngân hàng, chúng tôi ngoài việc huy động các nguồn vốn giá rẻ trong nước, chúng tôi cũng hướng đến việc hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các nguồn vốn ODA, trên cơ sở đó mà đa dạng hóa nguồn vốn ưu đãi cũng như sẵng sàng nguồn vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu".

Các ngân hàng cho biết, để thu hút người vay, họ buộc phải cân đối chi phí vốn đầu vào, tiết kiệm chi phí hoạt động để có được mức lãi suất vay cạnh tranh tranh. Đặc biệt, sau chỉ đạo phải công khai lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính Phủ, áp lực cạnh tranh giữ khách của các ngân hàng càng gắt gao hơn.

Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với thị trường

Giảm lãi suất thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Bên cạnh lãi suất, thì tỷ giá cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là với 1 nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu luôn chiếm tỷ trọng cao như Việt Nam.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định thay đổi biện pháp điều hành tỷ giá là thông tin không chính xác, không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính Phủ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Nhờ vậy, bất chấp áp lực USD tăng giá từ thị trường thế giới, đồng VND vẫn được xem là tương đối ổn định so với nhiều ngoại tệ khác. Từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, trong khi Baht Thái giảm 6,3%; Yên Nhật giảm 10,8%.

Để làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản tiền đồng tương đối dư thừa, và thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát hành tín phiếu để điều tiết lượng tiền. Đồng thời, cơ quan này đã bán ngoại tệ ra can thiệp ổn định thị trường.

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho biết: "Chúng ta đã giữ được mức độ ổn định tương đối tốt. Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ phối hợp khá nhịp nhàng để xử lý chênh lệch lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng đã được đẩy lên để không tạo ra chênh lệch quá với lãi suất USD. Sau đó là những công cụ về OMO, những hoạt động bơm hút tiền hay bán ngoại tệ để giúp bình ổn thị trường. Chúng tôi cho rằng chúng ta đã làm khá tốt đến thời điểm tháng 5 này".

Theo số liệu tổng hợp của Khối Thị trường Tài chính ngân hàng ACB, Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường khoảng 2,5 tỷ USD từ giữa tháng 4 đến nay. Bên cạnh việc sử dụng hài hòa các công cụ chính sách tiền tệ, thì Việt Nam đang có những nguồn cung ngoại tệ, giúp nhà điều hành có thêm dư địa để thực thi chính sách.

Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay: "Chúng ta vẫn tiếp tục có được xuất siêu, đây là yếu tố quan trọng nhất đối với việc ổn định tỷ giá. Thứ 2 là vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp. Thứ 3 chúng ta có nguồn thu ngoại tệ rất tốt từ kiều hối và lượng khách du lịch đến Việt Nam rất tốt, đây chắc chắn là nguồn hỗ trợ tiếp theo trong vấn đề kiểm soát tỷ giá".

PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Hiện tại dự trữ ngoại hối của chúng ta khoảng 93 tỷ USD, con số này không phải là nhỏ và tăng đều qua các năm, để đảm bảo cho việc cung ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ chính đáng".

Các chuyên gia cũng cho rằng, với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu (tăng 15% trong 5 tháng đầu năm), nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ tăng lên trong các tháng tới. Đồng thời, nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed hạ lãi suất vào cuối năm nay, thì sẽ giúp làm giảm áp lực đáng kể với tỷ giá trong nước.

Điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát - đây luôn là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Nhằm tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế, Trong nửa sau của năm 2024, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo trên là hết sức cần thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước