Làn sóng bán tháo tài sản tại các nước mới nổi ở châu Á đã xuất hiện từ vài tháng nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nguyên nhân là do kế hoạch cắt giảm quy mô chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Số liệu từ EPFR Global cho thấy, kể từ tháng 5 đến nay, nhà đầu tư đã rút hơn 47 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi. Thâm hụt ngân sách, tỷ lệ lạm phát cao và thị trường nhiều rủi ro đang khiến các nhà đầu tư xa dần các nền kinh tế mới nổi. Đã có ý kiến cho rằng, châu Á là cái nôi tiếp theo của khủng hoảng tài chính và tiền tệ.
Để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Art Woo, Giám đốc Fitch Ratings khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
‘ Ông Art Woo. Ảnh: Thời báo Ngân hàng
Theo ông, liệu châu Á có đang ở giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới hay không?
Ông Art Woo: Tôi cho rằng khả năng châu Á sẽ một lần nữa rơi vào khủng hoảng khó có thể xảy ra được. Khủng hoảng kinh tế chỉ xảy ra khi mà những yếu tố cơ bản của nền kinh tế bị suy kiệt, điều này không xảy ra tại châu Á. Trên thực tế, trong thời gian qua, những nền kinh tế châu Á cũng đã ổn định hơn, ví dụ như kinh tế Indonesia và Phillippines đã phát triển rất tốt, tất nhiên là những nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương nhất khi bị rút vốn do thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.
Sau đây các quốc gia châu Á phải ổn định kinh tế vĩ mô hơn, giảm tỷ lệ nợ công, tăng dự trữ tiền tệ để không bị tác động khi các nhà đầu tư rút tiền.
Có thể thấy nhiều quốc gia đã tăng lãi suất cơ bản nhằm giữ chân nhà đầu tư, ông nhận định gì về xu hướng này?
Ông Art Woo: Việc FED giảm mua trái phiếu sẽ đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng, khiến USD và các tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn. Giới đầu tư sẽ bán hết danh mục đầu tư để rút tiền về, gây áp lực lên đồng nội tệ và lãi suất của một số quốc gia châu Á, chính vì vậy họ phải tăng lãi suất dù biết rằng việc tăng lãi suất sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên theo ý kiến của tôi thì câu chuyện này lại có ý tích cực, FED cắt giảm kích thích kinh tế là vì nền kinh tế đang ấm lên và nếu như nền kinh tế Mỹ đang ấm lên thì các nền kinh tế khu vực châu Á sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích, xuất khẩu sẽ tăng trở lại, góp phần cho tăng trưởng GDP. Và đây là điều rất tốt.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.