Giải pháp nào cho DN Việt Nam khi đồng Ruble biến động?

Đức Minh - Văn Chỉnh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ bảy, ngày 25/07/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đối với doanh nghiệp Việt Nam có các hợp đồng thương mại với đối tác Nga, khó khăn nhất chính là ở khâu thanh toán do sự bất ổn định của đồng Ruble.

Các biến động chính trị ở Nga và Ukraine thời gian vừa qua khiến tỉ giá đồng Ruble biến động mạnh. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đồng Ruble cũng là đồng tiền khó dự đoán nhất trên thị trường tiền tệ thế giới. Vậy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga đã thay đổi chiến lược hoạt động như thế nào để thích nghi với tình trạng này?.

Năm ngoái, đồng Ruble mất giá kỉ lục tới gần một nửa, khiến các hãng du lịch của Việt Nam mất một lượng lớn khách Nga. Song trong nửa đầu năm nay, đồng Ruble lại là đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới, từ 70 Ruble/USD lên 55 Ruble/USD. Nhưng sự tăng giá đột biến này lại không phải là mong muốn của các hãng du lịch Việt Nam ở mảng thị trường khách Nga.

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng truyền thông, Công ty du lịch Vietrantour cho biết: “Với thị trường đặc thù như Nga, chúng tôi thường lên kế hoạch trước 1 năm và so sánh với cùng kì năm ngoái. Việc biến động đồng Ruble không có một kế hoạch nào ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh dài hơi của chúng tôi”.

Ngay cả những đơn hàng dệt may gia công cho đối tác Nga với thời hạn giao hàng ngắn, chỉ khoảng 3-6 tháng, thì sự bất ổn định của đồng Ruble cũng khiến cho việc định giá hợp đồng mỗi đơn hàng trở nên không dễ dàng. Rosviet là một doanh nghiệp của Nga, đang có nhà máy gia công đồ may mặc tại Hải Dương, song chính họ cũng đang phải có những giải pháp kinh doanh đối phó với sự sụt giảm đơn hàng từ phía Nga.

Ông Sergey Zvezdin, Giám đốc Công ty TNHH Rosviet nói: “Doanh nghiệp cả hai nước hiện nay đều đang rất đề phòng, nên chúng tôi phải sản xuất ở mức tối thiểu, sao cho vừa đảm bảo kế hoạch giao hàng, vừa không để lượng hàng tồn đọng lại quá lớn, có thể gây thua lỗ cho công ty”.

Các chuyên gia cho rằng, việc dự đoán biến động đồng Ruble là khó khăn nhất trên thị trường do có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đồng tiền này. Để duy trì thương mại với đối tác Nga vào thời gian này đòi hỏi những giải pháp từ phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự tham gia của hệ thống ngân hàng hai nước.

Ông Sergey Dudin, Chủ tịch Hiệp hội hợp tác văn hóa và thương mại vùng Sibirsk, LB Nga tại Việt Nam cho rằng: “Một trong những giải pháp hợp lý trong thời gian này là việc ký kết hợp đồng cũng như giao dịch hàng hóa cần xác định theo đồng USD. Ngoài ra, có một giải pháp khác là cần có sự vào cuộc từ phía các ngân hàng để đưa ra một cơ chế quy đổi nội tệ của hai nước. Việt Nam và Nga đang đề xuất sớm có cơ chế quy đổi này và tất nhiên nó sẽ giải quyết sự khó khăn cho doanh nghiệp”.

Mời quý vị khán giả theo dõi video chi tiết.

 

 

 

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước